Hai cái bánh mì, bà già trộm táo và Nữ thần công lý

(Dân trí) - Xã hội không bao che hay cổ vũ cho thói trộm cắp, cướp giật dù với bất cứ lý do gì. Thế nhưng luật pháp phải có lý và có tình. Biểu tượng thần công lý trước cửa mỗi trụ sở tòa án tay cầm cái cân, tay cầm thanh gươm, mắt bị bịt kín nhưng không có nghĩa là thần công lý không có trái tim...


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vụ án hai cái bánh mì đã có kết quả có hậu. Hai bị cáo được tòa phúc thẩm miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là tin vui không chỉ với các em và gia đình mà còn cả với cộng đồng xã hội bởi công lý vẫn được thực thi nghiêm minh mà lòng bao dung không vì thế mà suy giảm.

Có lẽ cũng nên nhắc lại đôi dòng về diễn biến vụ án.

Khoảng 22h ngày 17/10/2015, Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ Củ Chi), Ôn Thành Tân (ngụ Q.9) vào một tiệm Internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (Q.9, TP.HCM), cùng chơi game. Đến 10h ngày hôm sau, Tân chở Tuấn đến Thủ Đức để xin việc.

Trên đường đi, Tân và Tuấn đói bụng nhưng do không có tiền nên đến một tiệm tạp hóa Q.Thủ Đức, Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm bán cho hai bọc chuối sấy, một ổ bánh mì ngọt, một bịch đậu phộng rang muối và ba bịch me trộn đường. Theo định giá tài sản trong tố tụng, số hàng này có tổng giá trị 45.000 đồng.

Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy. Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả hai rồi chuyển cho công an phường. Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội, cả hai bị tạm giam từ ngày 18/10/2015.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/7, TAND quận Thủ Đức TPHCM đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn 10 tháng tù và Ông Thành Tân 8 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội cướp giật tài sản.

Năm ngày sau (25/7), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu TAND TPHCM xem xét lại vụ án đồng thời lưu ý khi xét xử phúc thẩm, cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để một mặt, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như tính nhân đạo của luật pháp.

Tám ngày sau (28/7), trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nhắc lại theo quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, mục đích chủ yếu của việc này là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội chứ không phải hướng đến việc trừng trị.

Tại phiên phúc thẩm ngày 15/9, HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo đã cấu thành tội cướp giật tài sản. Tuy nhiên khi phạm tội cả hai bị cáo chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa nhận thức đầy đủ hành vi của mình gây ra. Giá trị tài sản không lớn, động cơ hai bị cáo thực hiện hành vi của mình vì đói. Hành vi của bị cáo tính nguy hiểm cho xã hội không cao. Vì vậy cần áp dụng các tình tiết nêu trên để miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Quyết định của tòa phúc thẩm đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Song, cũng phải nói sòng phẳng, việc tòa sơ thẩm kết tội các em là đúng và xã hội không bao che hay cổ vũ cho thói trộm cắp, cướp giật dù với bất cứ lý do gì.

Thế nhưng luật pháp phải có lý và có tình. Biểu tượng thần công lý trước cửa mỗi trụ sở tòa án tay cầm cái cân, tay cầm thanh gươm, mắt bị bịt kín nhưng không có nghĩa là thần công lý không có trái tim.

Chợt nhớ cách đây cả ngàn năm, Nhà thơ Đỗ Phủ (Trung Quốc) khi bán nhà cho người khác đã để lại bài thơ dặn chủ mới, dịch ra văn xuôi đại để rằng nhà có cây táo, hàng xóm có người đàn bà không chồng, không con nghèo đói vì sưu thuế thường sang chọc trộm, thôi thì để cho người ta chọc, đừng xua đuổi làm gì, lỡ họ sợ mà ngã thì tội…Chao ôi! Tấm lòng nhân hậu của thi nhân thật tuyệt vời!

Trở lại với vụ án trên. Cùng một sự việc nhưng hai phiên tòa có hai cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau và ngạc nhiên thay, đều… “đúng qui trình”. Nếu ở phiên tòa này là tù tội với tương lai đen tối thì ở phiên tòa kia là sự bao dung, rộng mở…

Vẫn còn đó lời của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Trong cuộc đời người “cầm cân nảy mực,” nhân danh công lý, khi phán quyết phải nghĩ rằng đến lúc về già phải thấy tự hào với con cháu, dòng họ, đồng đội, đồng chí và nhân dân rằng mình đã mang lại công lý cho mọi người, chứ không phải cúi đầu lầm lũi mà đi ở buổi cuối đời”.

Giả sử, sự dại dột của hai em Tuấn và Tân rơi vào con cháu họ, khô ng biết họ sẽ xử thế nào nhỉ?

Bùi Hoàng Tám