Gieo một hạt mầm thiện nguyện sẽ tỏa rất nhiều bóng mát nhân văn

(Dân trí) - Những người làm từ thiện với những hoạt động thiết thực, dù âm thầm hay với mục đích gì đi chăng nữa thì tôi vẫn đặt niềm tin vào cuộc sống, rằng “cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”, gieo một hạt mầm thiện nguyện sẽ tỏa ra rất nhiều bóng mát nhân văn cho đời.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Khi cái lạnh của miền Bắc vẫn còn len lỏi trong từng chiếc áo măng-tô xuống phố, tôi vô tình đọc về câu chuyện ấm áp của ca sĩ George Michael, một câu chuyện đã sưởi ấm lòng tôi một ngày đông Hà Nội.

George Michael là ca sĩ thể hiện những ca khúc đình đám mà hầu hết ai trong chúng ta cũng đã đều được nghe như “Last Christmas”, “Careless Whisper”… Sinh thời, như nhiều nghệ sĩ khác, ông thường thể hiện những khía cạnh về một con người nổi loạn trên truyền thông. Thế nhưng, điều đáng nói là sau khi ông mất, rất nhiều người mới bắt đầu kể về một con người khác của George – một con người giàu lòng nhân hậu, vị tha và hào phóng - con người đó chưa từng được nhắc đến khi George còn sống.

Người ta kể về ông, về một người làm từ thiện âm thầm, chưa từng tiết lộ danh tính. Hầu hết những khoản tiền mà ông gửi từ thiện (được kể lại) đều dành cho những trường hợp cụ thể.

Cái cách từ thiện của George Michael quả thực đúng với ý nghĩa “cho đi không mưu cầu nhận lại”. Ông đã làm điều thiện mà không mong xã hội ghi công hay trả ơn dưới bất cứ hình thức nào, thậm chí là một lời cảm ơn hay một sự ghi nhận.

Có thể sẽ có người nổi tiếng hơn George Michael, giàu có hơn George Michael và làm từ thiện với số tiền lớn hơn George Michael đã làm. Thế nhưng cách sống, cách làm điều thiện của George Michael đáng để bất cứ ai trong chúng ta cảm phục, ngưỡng mộ.

Trong thế giới showbiz ngày nay, thật hiếm hoi có được một nghệ sĩ nào có được cách ứng xử như George Michael. Không ít câu chuyện buồn về một số người chỉ “núp bóng” từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân, dẫn đến cách làm từ thiện kệch cỡm, đôi khi lố bịch, phản cảm.

Ví như một số người đẹp ăn vận diêm dúa theo đoàn từ thiện về hỗ trợ bà vùng khó khăn nhưng lại để người dân xếp hàng chờ đợi trong khi bản thân ngồi mát, chụp hình đưa lên báo. Hay một số người chụp ảnh bikini nhưng cũng tuyên bố rằng đang quyên góp để làm từ thiện…Thậm chí, một số người còn coi từ thiện là một nghề, đứng ra kêu gọi quyên góp nhưng là để “ăn chặn” tiền gửi về của những nhà hảo tâm….

Song, dù cho xã hội còn nhiều điều chướng tai gai mắt rất đau lòng như vậy, nhưng tôi vẫn cho rằng, khi đâu đó có một người làm điều tốt và có một người khác nói về điều tốt ấy để lan truyền những việc tử tế, những con người tử tế trong xã hội, thì đó vẫn là một điều nên, rất nên nhằm giúp xã hội tốt hơn lên.

Chúng ta đang sống trong môi trường internet, nơi mỗi một điều tốt có thể được lan truyền rất nhanh. Nên đôi khi, đứng trước những câu hỏi dạng như anh này quyên góp từ thiện hàng chục tỷ đồng, cô ca sĩ kia bỏ công sức vác gạo giúp đỡ người nghèo… “liệu đằng sau đó có phải là một chiến dịch truyền thông để PR hình ảnh?”, thì tôi vẫn tin vào những điều tốt đẹp. Dù họ có làm với mục đích gì đi chăng nữa, “cứu một mạng người vẫn hơn xây bảy tòa tháp”, gieo một hạt mầm thiện nguyện sẽ tỏa ra rất nhiều bóng mát nhân văn cho đời.

Chỉ mong, khi xã hội ngày càng phát triển, sẽ không còn những con người giả nghèo, giả khổ để trục lợi tình thương, không còn những em bé sơ sinh ngặt nghẽo trên đường “làm mồi” từ thiện, không còn những người thiểu năng lê lết hay những vị “sư” giả khất thực trên đường…

Mong rằng, với những tuyên bố về các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, những người tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi sẽ được tập trung, quản lý. Còn những kẻ táng tận lương tâm lừa gạt trên lòng tin nhân loại cần phải bị đưa ra pháp luật và bị loại bỏ.

Bích Diệp