"Giấy thông hành" để "sống chung" với dịch Covid-19
(Dân trí) - Những người tiêm hai mũi vắc xin hay cơ thể đã tạo ra được kháng thể đối với SARS-CoV-2 được phép ra đường và tham gia trong một số lĩnh vực. Đó là đề xuất của Bình Dương và một số nhà khoa học…
Sau thời gian thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong phòng chống dịch Covid-19, tính đến thời điểm này, TPHCM đã có những tín hiệu báo hiệu khả quan, đó là số lượng ca F0, số ca tử vong được kéo giảm, số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, xuất viện trong một ngày tăng cao.
TPHCM nới lỏng các biện pháp, mở cửa lại một số dịch vụ, từng bước chuyển sang trạng thái "bình thường mới" kèm với những quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm giữ vững thành quả chống dịch đã đạt được ở một số địa phương.
Cùng với đó, kịch bản từng bước khôi phục mọi mặt đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ở những "vùng xanh" đã được chính quyền thành phố xây dựng. Trong đó, ngành y tế đề xuất hướng sử dụng "thẻ xanh Covid" tùy theo mức độ dịch bệnh và biện pháp giãn cách tại nơi sinh sống, làm việc.
Theo dự thảo sử dụng "thẻ xanh Covid mà ngành y tế xây dựng, trình UBND thành phố gắn với từng nhóm đối tượng thì điều kiện bắt buộc là cơ thể phải có kháng thể đối với virus SARS-CoV-2. Cụ thể, phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc F0 dưới 65 tuổi đã khỏi bệnh hoặc người đã được tiêm một mũi vắc xin, tùy từng trường hợp sẽ được tham gia vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực mà chính quyền cho phép.
Tại tỉnh Bình Dương, khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, "thẻ thông hành vắc xin" cũng đã được nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch và trạng thái "bình thường mới". Theo đó, kể từ ngày 10/9, người dân Bình Dương đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc tiêm một mũi vắc xin đủ từ 14 ngày trở lên được phép lưu thông ngoài phạm vi phường cư trú.
Dịch Covid-19 đang được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp với những biến thể nguy hiểm. Song song với phòng, chống dịch, việc chuẩn bị các điều kiện để "sống chung" với dịch là hết sức cần thiết, trong đó tiêm vắc xin là điều tiên quyết.
Theo quan điểm của người viết, việc áp dụng "thẻ xanh Covid" hay "thẻ thông hành vắc xin" là lựa chọn đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh trước mắt và lâu dài.
Chính phủ đã trích một khoản ngân sách rất lớn để mua và tiêm vắc xin cho người dân, không thể để người tiêm đủ 2 mũi vẫn "ở yên trong nhà" trong khi bao việc đang chờ đợi ngoài kia. Bên cạnh đó, song song với chống dịch, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra. Để thực hiện được các mục tiêu đó, không thể để lãng phí một lực lượng lao động đã có kháng thể nhất định với virus nguy hiểm này trong khi chưa thể biết chắc chắn đến bao giờ dịch Covid-19 có thể kết thúc.
Với sự nỗ lực của Chính phủ, ngành y tế và chính quyền các địa phương, dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát. Các kịch bản để đưa cuộc sống trở về trạng thái "bình thường mới" và "sống chung với dịch" đang được nghiên cứu, xây dựng với những đề xuất phù hợp với kết quả chống dịch của từng địa phương.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh về trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch, điều quan trọng trước hết là cần chuẩn bị tâm thế, thay đổi thói quen sống của từng người.
Sống chung với dịch và sống an toàn trong dịch, sẽ không có vắc xin nào tốt hơn ý thức của mỗi người dân trong phòng, chống dịch Covid-19.