Giá cả hàng hoá, dịch vụ sau tết không "sốt", vì sao ?
(Dân trí) - Một trong những điều mới mà mọi người đều dễ cảm nhận thấy sau mấy ngày nghỉ Tết nguyên đán vừa qua là giá cả hàng hoá, dịch vụ ở nhiều nơi đã không tăng nhiều như lo ngại và dự báo trước đó. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế thị trường bắt đầu vận hành có hiệu quả.
Chỉ trừ dịch vụ taxi, cho thuê xe tự lái, sau Tết, theo như khảo sát của các cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương là có tăng. Điều này, nhiều người dân cũng có thể thấy rõ khi thuê xe đi lại sau Tết. Còn đa số các dịch vụ khác như ăn uống, hàng thực phẩm và nhiều loại hàng hoá khác tương đối ổn định so với thời gian trước Tết.
Còn nhớ, trong những năm trước đây, cứ trước Tết nguyên đán khoảng 1-2 tháng, các Bộ, ngành, địa phương đưa ra rất nhiều chương trình bình ổn giá dịp tết. Có khá nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ đến địa phương là yêu cầu các Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải đảm bảo nguồn hàng cung ứng, can thiệp thị trường khi cần thiết để đảm bảo không có "sốt nóng" giá cả hàng hoá, dịch vụ.
Tuy nhiên, có thời điểm này, thời điểm khác, vẫn có nơi giá cả một số hàng hoá, dịch vụ tăng cao. Một số chuyên gia kinh tế còn nghi ngờ hiệu quả của các chương trình bình ổn giá ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhưng năm nay, theo quan sát của người viết bài này, các bộ, ngành có trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực này là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đã không phải đưa ra những chương trình nào thực sự lớn. Không cần hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ các chương trình bình ổn giá như các năm trước. Nhưng thực tế cho thấy, thị trường ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều rất ổn định, không có diễn biến bất thường. Và điều này cũng đã được báo chí ghi nhận, phản ánh.
Rất khó có thể giải thích bằng một lý do nào khác ngoài việc nguồn hàng cung ứng trên thị trường năm nay phong phú và thị trường hiện nay đã có tính cạnh tranh cao hơn, khiến ít cơ sở dịch vụ, bán hàng tuỳ ý nâng giá.
Một trong những điều đáng chú ý nhất là trong năm 2016, theo số liệu được công bố chính thức từ Tổng cục Thống kê, đã có tới 110 ngàn doanh nghiệp thành lập mới tăng 16,2 % về số lượng doanh nghiệp và trên 48% về số vốn đăng ký. Chưa kể có thêm gần 26.700 doanh nghiệp khác đã khắc phục khó khăn (tạm dừng hoạt động trước đó), quay trở lại hoạt động. Đây là con số tăng kỷ lục trong ít nhất 5 năm trở lại đây.
Và ngay trong tháng đầu năm, xu hướng này vẫn còn tiếp diễn. Theo số liệu mới công bố cuối tuần trước của Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu năm của năm 2017, lại có thêm 8.890 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8,1% về số lượng và tăng 52,3% về số vốn đăng ký so với tháng cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra có thêm 5.564 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Những con số này rõ ràng đang cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện tốt trong thời gian qua, kinh tế vĩ mô cũng ổn định. Nhiều rào cản, vướng mắc về chính sách được gỡ bỏ như hàng loạt các giấy phép con trong lĩnh vực xuất khẩu (gạo), kinh doanh phân bón, khoáng sản, xoá bỏ 18 giấy phép trong lĩnh vực kinh doanh khí, gas hoá lỏng... trong năm 2016 rõ ràng đang tạo ra những cú hích đáng kể cho thị trường, khiến người dân, doanh nghiệp hồ hởi hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Với số lượng doanh nghiệp thành lập mới như vậy, điều tất nhiên đem lại là tính cạnh tranh trên thị trường cao hơn, lượng hàng hoá, dịch vụ được cung ứng dồi dào hơn sẽ giúp làm cân bằng cung- cầu hàng hoá, ổn định thậm chí làm giảm giá nhiều mặt hàng, dịch vụ mà không cần phải sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước. Đây chính là điều mà Chính phủ mong đợi đạt được khi xác định định hướng một bộ máy "kiến tạo"cho phát triển ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Mặc dù vậy, dù môi trường kinh doanh đang lành mạnh, có tính cạnh tranh cao hơn, nhưng vẫn còn một số ngành có vị thế độc quyền nên sự cạnh tranh trong các lĩnh vực này còn rất thấp, giá cả dịch vụ, hàng hoá nhiều mặt hàng vẫn được ấn định giá.
Sự thành công trong việc cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước khỏi một số doanh nghiệp có tính độc quyền cao trước đây: Sữa, xuất khẩu gạo, sản xuất bia, viễn thông... khiến các thị trường này sôi động, có lĩnh vực giá dịch vụ liên tục giảm trong khi chất lượng tăng (viễn thông) cho thấy, Nhà nước càng cần phải đẩy mạnh hơn nữa xoá bỏ tình trạng độc quyền, khuyến khích cạnh tranh trong tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cần phải giữ quyền chi phối.
Với chủ trương "kiến tạo", xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, thúc đẩy cạnh tranh như hiện nay, rõ ràng là một hướng đi đúng mà Chính phủ đang thực hiện. Thị trường, không chỉ ở dịp tết mà cả 12 tháng trong năm, sẽ ngày càng ổn định, giàu tính cạnh tranh để thúc đẩy sản xuất phát triển mà không cần các cơ quan quản lý can thiệp quá nhiều bằng các biện pháp hành chính, bằng hệ thống giấy phép con, giấy phép cháu rất rắc rối trong nhiều năm trước.
Mạnh Quân