"Đường ướp lạnh", "Đường cong mềm mại" và “nguồn” danh nhân… cạn kiệt!

(Dân trí) - Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ lâm vào tình huống “cạn kiệt danh nhân” đặt tên đường đến mức “những người chưa đến tầm cũng được đặt tên” như lời cảnh báo của TS Phạm Quốc Quân…

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

“TP.HCM nên xóa sạch tên đường để đặt lại”. Đó là tít một bài trên báo Pháp luật TP HCM, trích từ câu nói của TS Nguyễn Khắc Thuần, Ủy viên thường trực Hội đồng tên đường của thành phố này.

Ông Thuần bày tỏ:  "Chuyện xóa sạch tên đường rồi đặt lại một lần không tốn người, không mất thời gian nếu ta đừng bày vẽ họp lên họp xuống. Chỉ cần giao cho một người, công khai danh tính và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu phạm phải sai lầm".

Lý do mà TS Thuần đưa ra là từ sự bất cập vốn đã thành “thâm căn cố đế” ở các thành phố Việt Nam, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội.

Cái chuyện tìm nhà ở hai thành phố lớn nhất nước này nhiều khi còn khó hơn… mò kim đáy bể. Nhà không số, phố không tên đến mức “Em hẹn ngã ba này, anh đợi ngã ba kia” không còn là chuyện lạ.

Rồi hai nhà sát nhau, nhà mang số lẻ, nhà mang số chẵn xuất hiện nhan nhản. Thậm chí cùng một đoạn đường, nhưng mang hai, ba cái tên khác nhau cũng không hiếm.

Từ khi sáp nhập, gần như ở Hà Nội có gì thì Hà Đông cũng có tên phố đó.

Nguyên nhân do đâu? Có nhiều lời lý giải, nào là do không có qui hoạch tổng thể lâu dài, nào là do bối cảnh lịch sử, nào là do tầm nhìn hạn chế… Song, có một nguyên nhân mà TS Thuần chỉ ra khá rõ, đó là “Trao việc không đúng người. Hội đồng đặt tên đường do thành phố lập ra vào hồi mới giải phóng đều thuộc hàng hữu danh vô thực”.

Thiếu tư duy đô thị, hạn chế vốn văn hóa, thiếu hoặc hiểu biết chưa đầy đủ về lịch sử cộng với qui hoạch tầm ngắn chính là những nguyên nhân gây nên tình trạng hiện nay.

Tuy nhiên, cũng còn một nguyên nhân nữa, đó là chúng ta nhiều khi quá “danh nhân hóa” việc đặt tên đường phố dẫn đến “gò ép”, lạm dụng. “Có những người chưa đến tầm cũng được đặt tên, thậm chí có những tên đường của nhân vật mà ở Hà Nội mọi người không biết ông đó là ai” như lời của TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Trong khi đó, địa danh nhiều khi được hình thành nhờ “Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm” như trong Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Chuyện một cô giáo ở Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An do nhiều năm gắn bó với bản làng, khi cô không còn ở đó nữa, cây cầu nơi con suối cô hàng ngày cõng em nhỏ đến lớp được xây dựng, người dân đã đề nghị mang tên cô dù “các bác cấp trên” đã có ý định đặt một cái tên khác là một ví dụ.

Thông tin mới nhất, tại Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, đã có đại biểu đề xuất nên đặt tên cầu hoặc đường cho ông Nguyễn Bá Thanh.

Gần đây, việc một con đường mang tên là “Đường ướp lạnh” đã tạo nên sự tranh luận trong dư luận xã hội. Có ý kiến cho rằng việc đặt tên một con đường là “Ướp lạnh” ngô nghê và phản cảm. Nhưng không ít ý kiến ngược lại, coi nó là bình thường bởi đó là nơi ngày xưa có nhà máy ướp lạnh và khi nói đến cái tên này, rất nhiều người biết. Đơn giản, đây là một địa danh như nhiều và rất nhiều địa danh khác trên đất nước này.

Hay như con đường Trường Chinh, không ít người vẫn quen gọi là đường Tàu bay và gần đây nhất, trong dân gian, nó được mang cái tên mới là “Đường cong mềm mại”…

Tóm lại, có lẽ đã đến lúc cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cần phải có cuộc “cách mạng” tên đường phố, “đừng ngại thay tên đường và thay số nhà sẽ phức tạp. Tất cả chỉ bối rối trong một thời gian rất ngắn, sau đó sẽ đâu vào đó ngay” như lời TS Thuần.

Tất nhiên, khi đó nên sàng lọc lại và hạn chế tên các danh nhân, tránh tình trạng với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ lâm vào tình huống “cạn kiệt danh nhân” đặt tên đường đến mức “những người chưa đến tầm cũng được đặt tên” như lời cảnh báo của TS Phạm Quốc Quân ở trên.

Về quan điểm cá nhân, theo mình ngoài những con đường lớn và những địa danh mang tính lịch sử, tên đường nên đánh số như một số thành phố lớn trên thế giới vừa khoa học lại vừa đơn giản, dễ nhớ, dễ tìm, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám