Đừng lấy khó khăn để bao biện cho hành vi trục lợi
(Dân trí) - Bình Dương phát hiện gần 23.000 hồ sơ kê khai hưởng hỗ trợ trùng lặp; TPHCM phát hiện 1.700 trường hợp chi trả hỗ trợ chưa đúng. Đọc những thông tin này, tôi vừa thấy phẫn nộ, vừa thấy xót xa...
Vừa qua là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương phát hiện hơn 22.900 hồ sơ kê khai hưởng hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng Covid-19 bị trùng lặp, trong đó có hơn 1.900 hồ sơ đã chi hỗ trợ mức 800.000 đồng/người. Trong khi đó, TPHCM cũng phát hiện gần 1.700 trường hợp bị chi trả "nhầm", tại huyện Hóc Môn và Quận 11.
Tin chắc rằng, con số này chưa dừng lại khi các địa phương đang tiếp tục rà soát và 12 đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào cuộc theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Chắc hẳn bạn đọc sẽ nói rằng không ở trong tình cảnh của họ, không hiểu được vì sao họ phải khai man, khai sai hồ sơ để nhận hỗ trợ. Vì đói chăng? Tôi nghĩ không hẳn là vì đói ăn, thiếu mặc hay quá khó khăn đẩy họ tới cảnh phải làm cái việc chẳng đừng ấy. Mà dẫu có khó khăn đi chăng nữa, cũng không nên và không được vin vào lý do ấy để trục lợi chính sách nhân văn này.
Hơn 100 ngày TPHCM và các tỉnh phía Nam bị dịch Covid-19 hoành hành, đời sống của đại bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chính sách của Chính phủ và các địa phương đã được triển khai kịp thời để hỗ trợ, giúp người dân vơi bớt khó khăn trước mắt. Cùng với đó, nhân dân cả nước đã đóng góp, sẻ chia để đồng bào phía Nam vững vàng hơn trước đại dịch.
Tất nhiên, sẽ không tránh khỏi những trường hợp vì nhiều lý do khách quan, chưa được hỗ trợ kịp thời, thế nhưng Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội đã hết sức cố gắng để không ai bị đói, không ai bị bỏ rơi trong đại dịch.
Trong một thời gian ngắn, vừa dồn sức chống dịch, vừa căng mình để đảm bảo tiến độ chi trả các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhân lực Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ. Nhiều nơi, cán bộ chính sách - lao động quên ăn, quên ngủ, đến từng ngõ nhỏ, gõ cửa từng nhà để chính sách nhân văn của Nhà nước đến kịp thời, đến đúng và đến đủ với người dân.
Thật đáng buồn, không ít trường hợp bị phát hiện nhận hỗ trợ "nhầm" là gia đình có điều kiện, hưởng lương, tham gia bảo hiểm... Có những trường hợp lợi dụng trẻ em chưa có căn cước công dân kê khai hoặc ghi 2 địa chỉ để nhận hỗ trợ 2 lần; một người khai trùng lặp để hưởng 2 chính sách hỗ trợ khác nhau. Thậm chí có trường hợp cố tình ghi sai số chứng minh nhân dân nhằm "qua mặt" phần mềm khi kiểm tra.
Bởi vậy, mọi hành vi trục lợi các gói hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 đều đáng bị lên án. Tất nhiên, điều đầu tiên là phải thu hồi ngay những khoản đã chi sai. Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã thu hồi toàn bộ số tiền 1,5 tỷ đồng hỗ trợ đã chi sai và kịp thời ngăn chặn các trường hợp khai man khác trong quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ. Còn tại TPHCM, một số trường hợp đã tự giác trả lại hoặc trả lại sau khi được địa phương vận động.
Các cơ quan liên quan đang tích cực rà soát, thu hồi số tiền đã chi "nhầm", đồng thời sẽ xử lý theo quy định đối với các trường hợp cố tình không trả, không để chính sách nhân văn này bị trục lợi, xà xẻo.
Thời gian qua, Chính phủ đã và đang cố gắng hết sức không chỉ để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe mà còn đảm bảo đời sống của người dân cũng như các hoạt động khôi phục kinh tế xã hội. Đây là lúc chúng ta ghé vai vào thực hiện nhiệm vụ chung, chia sẻ với Chính phủ và các địa phương để cùng cả nước vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Tôi chợt nhớ một câu khẩu hiệu được sử dụng nhiều trong hoạt động hỗ trợ chống dịch vừa qua: "Nếu bạn khó khăn, hãy nhận một phần. Nếu không khó khăn, xin nhường người khác". "Đói cho sạch, rách cho thơm", trung thực trong kê khai hồ sơ và nhận đúng, nhận đủ phần của mình, đó là tự trọng phải có. Đừng vì cái lợi nhỏ của mình mà tạo thêm gánh nặng cho ngân sách, vốn đã rất khó khăn sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh.