Đừng biến tình cảm quê hương thành lôi bè, kéo phái!
(Dân trí) - Là người dị ứng với sự phân biệt vùng miền, tôi rất ghét tính cục bộ địa phương. Với tôi, sự phân biệt có gì đó giống như “kỳ thị” và tính cục bộ như là lôi bè, kéo phái…
Đồng hương là tình cảm rất đáng trân trọng. Song, nếu nó biến thành tư tưởng cục bộ địa phương thì vô cùng nguy hiểm. Nó tạo nên bè phái để loại bỏ, thậm chí thanh trừng lẫn nhau gây nên sự mất đoàn kết sâu sắc. Đây là điều rất đáng suy nghĩ, nhất là vào thời điểm trước mỗi nhiệm kỳ.
Trước hết, phải khẳng định, có tư tưởng cục bộ địa phương trong cán bộ, công chức không? Có. Tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội chiều 10/11 bàn về dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng nhắc nhở: “Nhân chi sơ tính bản thiện chứ không phải nhân chi sơ tính cục bộ đâu”.
Tình trạng có nghiêm trọng không? Tuy chưa có những tổng kết, đánh giá, song từ thực tế, tôi cho rằng nó không hề nhẹ.
Nó có nguy hiểm không? Xin thưa, rất nguy hiểm bởi nó không chỉ ngăn cản sự tiến bộ của những tài năng mà còn dễ biến thành bè phái, một khuynh hướng chia rẽ làm suy yếu một đơn vị, một địa phương và thậm chí, một quốc gia.
Xin kể lại một câu chuyện có thật xảy ra tại một cơ quan nọ. Bộ này có hai đơn vị có chức năng nhiệm vụ khá tương đồng. Ông lãnh đạo bên này là người tỉnh A, các vị trí từ cấp phó cho đến trưởng các bộ phận đa số (có lẽ hầu hết chính xác hơn?) là người tỉnh đó.
Bên kia, ông lãnh đạo là người tỉnh B, cấp phó và các trưởng bộ phận cũng tương tự, đều là người cùng quê.
Khi cả hai ông về nghỉ hưu, thành phần lãnh đạo vẫn lặp lại nguyên như thế. Tức là ông tỉnh A về thì ông phó quê tỉnh A lên thay và ông tỉnh B về thì ông phó quê tỉnh B lên thay. Không biết việc này sẽ kéo dài đến bao giờ bởi mấy vị phó hiện cũng là người cùng quê với sếp.
Trở lại với tư tưởng cục bộ, vì sao lại có hiện tượng này và làm gì để khắc phục?
Theo tôi, xét về khách quan. Do những yếu tố của lịch sử đất nước từng nhiều lần chia cắt cộng với yếu tố địa lý trải dài từ Bắc đến Nam nên mỗi miền quê, vùng đất có những phong tục, tập quán, nét văn hóa từ nết ăn, nết ở, phương ngữ… khác nhau. Cộng với đó là tình cảm quê hương nên việc những người cùng địa phương dễ gần và cảm thông cho nhau hơn cũng là điều dễ hiểu.
Muốn khắc phục tư tưởng này, cần nỗ lực từ hai phía, cộng đồng cả nước và địa phương có chuyện phân biệt.
Về phía cộng đồng, hãy luôn ghi nhớ chúng ta đều là con của mẹ Âu Cơ, cùng sinh ra từ một bọc (đồng bào). Đất nước Việt Nam là một. Non song Việt Nam liền một dải. Tinh thần đoàn kết là truyền thống, tạo nên sức mạnh và sự trường tồn của của dân tộc Việt.
Về phía những người thuộc bên phân biệt, hãy sống hòa đồng với tất cả bởi nếu như “co cụm” lại, tức là tự tách ra khỏi cộng đồng, tự mình khu biệt mình. Đó là điều không nên và không có lợi.
Với cán bộ, đảng viên, ngoài tình cảm quê hương, đồng bào còn là tình đồng chí, đồng đội và hơn cả, đó là vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân.
Là người dị ứng với sự phân biệt vùng miền, tôi rất ghét tính cục bộ địa phương, coi trọng người quê mình hơn người quê nơi khác. Với tôi, sự phân biệt có gì đó giống như “kỳ thị” và tính cục bộ như là lôi bè, kéo phái…
Xin loại bỏ tư tưởng kỳ thị và tính cục bộ địa phương, hãy nỗ lực theo lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “100 triệu dân phải cùng một ý chí” và luôn phải khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.