“Đồng tình” cấm xe máy nội đô: Những con số “đẹp đến rụng rời”
(Dân trí) - Chuyện cấm xe máy chẳng phải bây giờ mới bàn, mà đã được đặt ra từ rất nhiều năm trước, qua nhiều hội thảo khoa học, nhiều tọa đàm, nhiều cuộc tranh luận… rốt cuộc đến tận giờ, ý tưởng đó vẫn chưa đâu vào đâu.
Nhưng câu chuyện này lại “dậy sóng” cả tuần nay khi Công an TP Hà Nội công bố kết quả khảo sát: tới trên 90% người dân Hà Nội đồng tình với phương án cấm xe máy trong nội đô. Một tỷ lệ cao đến giật mình! Ấy là nói cao thôi, chứ thuyết phục thì chưa biết đâu nhé!
Người ta bàn tán không chỉ trong quán trà đá, tiệm cà phê… mà còn cả ở trên mạng xã hội, trên các diễn đàn, gửi cả ý kiến (comment) lên báo chí. Ai cũng bảo, “chắc họ chừa mình ra” hay “có khi mình thuộc số gần 10% còn lại”.
Có người không khỏi băn khoăn: “Sống ở Hà Nội đến đời thứ 4 rồi mà chưa nhận được phiếu trưng cầu ý dân nào về việc cấm xe máy nội đô” (ý kiến bạn độc Trần Hà Minh gửi tòa soạn Dân trí).
Vậy thì những phiếu khảo sát này được gửi đến những ai? Và rồi người ta lại mặc sức tưởng tượng ra đủ thứ kịch bản, như phát phiếu kiểu “chọn mặt gửi vàng” hay hỏi ý kiến người đi ô tô về việc cấm xe máy, phát vào giờ hành chính cho người già, trẻ con – những người chả đi xe máy bao giờ… Có như thế mới ra được cái tỷ lệ cao ngất cao ngưởng là trên 90% chứ!
Sau này, một đại diện của cơ quan khảo sát là ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (GTVT) cho biết thêm, đã phát đi ngẫu nhiên 16.000 phiếu khảo sát và thu về hơn 15.000 phiếu. Khoảng 84% người dân ủng hộ và không ủng hộ là 16%.
Tỷ lệ 84% sau khi đính chính lại có thấp hơn công bố ban đầu, nhưng cũng là một tỷ lệ áp đảo, rất cao. Tuy vậy, đây là 84% của 15.000 phiếu, đại diện cho 15.000 người dân ở Hà Nội. So với dân số gần 8 triệu dân đang sống tại địa bàn này, thì 15.000 phiếu trên có đủ để mang tính đại diện hay không?
Tôi cũng đã có mười mấy năm sống và làm việc tại Hà Nội, như phần lớn người dân nhập cư khác, cũng sử dụng phương tiện chính là xe máy đi làm, hoặc có lúc là taxi.
Nhìn sang các nước phát triển khác, tôi cũng ao ước lắm chứ! Ước gì có thể dùng ô tô cá nhân đi trên phố phường thông thoáng, hoặc giả không có xe riêng đi chăng nữa thì cũng di chuyển bằng tàu điện ngầm, thậm chí là xe đạp hay những loại giao thông công cộng khác. Dù sao, bức tranh đời sống thường nhật lúc đó cũng trở nên đỡ ngột ngạt, bụi bặm, xô bồ hơn rất nhiều so với hiện nay.
Nhưng bây giờ (và kể cả viễn cảnh nhiều năm tới), khó hình dung nổi chúng ta bỏ xe máy như thế nào khi hệ thống công cộng còn quá mỏng và rời rạc, thiếu liên kết. Mới đây nhất, cả nghìn tỷ đồng đổ vào “dự án hoa hồng” bus nhanh (BRT), để rồi dự án này đã giải quyết được bao nhiêu phần trăm ách tắc giao thông cho riêng Hà Nội khi mỗi xe chỉ có 34 khách (thấp nhất) và cao nhất chưa đạt 48 khách dù đã được hưởng đặc quyền đặc lợi “một mình một làn đường”?
Rồi tới đây, liệu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động có chắc rằng sẽ hút được khách tham gia sau cả thập kỷ chờ đợi dự án thành hình?
Nói cho cùng, bỏ xe máy lưu thông vùng nội đô là một ý tưởng không tồi. Nhiều nước đã làm và làm được, nên đừng nói đến chuyện nên hay không, mà vấn đề là ở hai chữ “khả thi”: Làm thì làm ra sao? Bỏ xe máy rồi thì di chuyển bằng gì trong nội đô? Xử lý cả triệu xe máy dư thừa như thế nào?...
Nếu quả thực, các cơ quan chức năng có những tính toán cụ thể, có những kế hoạch, phương án chi tiết trình ra thuyết phục được người dân thì tỷ lệ 84% hay 90%, 15.000 hay 8 triệu cũng không còn quan trọng. Bởi chắc chắn rằng, chẳng có người dân nào sống ở Hà Nội lại không muốn thoát cảnh mắc kẹt, “chết dí” cả tiếng đồng hồ trên đường đầy khói bụi, ô nhiễm mỗi ngày!
Bài toán giao thông cho Hà Nội là một bài toán khó. Nó là một câu chuyện nghiêm túc – thật sự nghiêm túc và hệ trọng, gắn với sinh kế không chỉ của gần 8 triệu người, gắn với ngân sách, tiền thuế của dân. Nó cũng không chỉ là câu chuyện giao thông, còn là chuyện quy hoạch hạ tầng, đô thị.
Nên dẫu có là một ý tưởng tốt, một ý tưởng “đẹp như hoa hồng” kiểu bus BRT thì cũng cần là một ý tưởng thật sự mang tính thực tế, chứ không phải vẽ ra rồi thực hiện nửa vời, chẳng những tốn tiền tốn của, mà còn làm mất niềm tin, mất đi nhiều chi phí cơ hội khác cho phát triển.
Bích Diệp