Điểm mặt các “hung thần”

(Dân trí) - Mình nhớ mãi một câu nói gai người cách đây ít lâu trên mục ATGT của VTV1: Hôm nay lại có hơn 30 người đi ra đường để rồi mãi mãi không trở về căn nhà của mình. Vậy ai là “hung thần của các hung thần” gây nên việc tàn bạo này?

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là bước sang năm An toàn giao thông 2012. Hàng năm, đã có Tháng an toàn giao thông và sắp tới còn có cả một năm an toàn giao thông đủ thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này như thế nào.
 
 
Điểm mặt các “hung thần” - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Mỗi năm cả nước có hơn 11.000 người chết (bình quân hơn 30 người/ngày) vì tai nạn này. Đó là số khán giả của một trận bóng đá, là dân số một xã lớn với vài ba làng. Thử làm một phép tính, nếu chiều cao trung bình của mỗi nạn nhân là 1m6 khi xếp nối nhau, “con đường xác chết” là: 11.000 x 1m6 = 17,600km. Và nếu tính cho tổng số 10 năm, “con đường xác chết” sẽ dài 176km, tức là bằng khoảng cách từ Hà Nội đến địa phận tỉnh Nghệ An.

Các năm gần đây, dù đã có rất nhiều cố gắng từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhưng đến nay tai nạn giao thông vẫn không hề giảm. Thậm chí ở từng thời điểm, số vụ và số người chết còn cao hơn.

Về nguyên nhân thì nhiều, rất nhiều. Nào tỉ lệ đất dành cho giao thông quá ít, không cân xứng với sự phát triển của đô thị. Nào tốc độ tăng của dân số khiến cơ sở hạ tầng nhanh chóng trở nên lạc hậu. Nào tốc độ gia tăng đến chóng mặt của các phương tiện giao thông. Rồi ý thức của người tham gia giao thông và trách nhiệm của các nhà quản lý….

Xin điểm về phương tiện giao thông.

Tùy theo từng thời gian các loại phương tiện tham gia giao thông thay nhau được “phong thần”. Đã một thời, xe công nông được coi là những “hung thần” đáng sợ nhất. Nó đã đi vào ca dao hiện đại: “Ra đường sợ nhất công nông – Về nhà sợ nhất vợ không… nói gì”. Chẳng bao lâu, xe khách tiếm ngôi. Những chiếc xe lao nhanh như tên bắn, lạng lách để tranh giành khách luôn là nỗi khiếp sợ kinh hoàng cho mọi nẻo đường, nhất là đối với cư dân ven Quốc lộ Bắc Nam. Đã có biết bao nhiêu vụ tai nạn tàn khốc cướp đi hàng chục sinh mạng một lúc như vụ tai nạn ở Hà Tĩnh gần đây. Thế nhưng chẳng bao lâu, khi các khu công nghiệp mọc lên, người ta lại thấy xuất hiện một loại “hung thần” mới. Đó là xe ben (còn gọi là xe vua) gắn còi hơi, chỉ cần một cái “tuýt” của nó cũng đủ cướp đi sinh mệnh một em bé vì giật mình ngã xuống đường. Nỗi kinh hoàng tiếp theo phải kể đến những chiếc xe container khổng lồ chất trên mình nó hàng chục tấn ầm ầm lao trên đường như những cỗ xe tăng, quét đi tất cả những gì chúng gặp trên đường là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Gần đây nhất là vụ một xe container đâm vào hai xe khách tại Bình Thuận đã làm hàng chục người chết và bị thương. Ở các thành phố lớn thì xuất hiện các “hung thần xe buýt”. Những chiếc xe đời cũ, khói đen phủ mù trời bất chấp đường phố đông đúc đè nghiến người khác để vượt lên.

Thế nhưng đó vẫn chưa phải là “ông hoàng” kinh khủng nhất. Nếu xe ca, xe buýt, xe ben, xe container như những cỗ đại bác thì tắc xi như khẩu súng cực nhanh chuyên bắn tỉa. Trên các đường phố vào giờ cao điểm chật ních người, những chiếc tắc xi vẫn luồn lách lao lên để tranh khách, đón khách và đỗ lại dọc đường trả khách. Điều đáng lo ngại là khi gây tai nạn, rất nhiều tắc xi tìm cách chạy trốn, bỏ mặc nạn nhân bị thương vong lăn lóc trên đường. Các vụ lừa đảo khách hàng, nhất là khách quốc tế như vụ lừa đảo hai vị khách tham dự Hội nghị Đại hội đồng Intepol lần thứ 81 tại Hà Nội vừa qua là nỗi nhục quốc thể. Có cảm giác như cơ quan quản lý vẫn nhẹ tay với loại “hung thần” này.

Mỗi người bình chọn cho mình một “hung thần” và tôi, xin chọn tắc xi là “hung thần của các hung thần”.

Bạn có đồng ý với tôi không?

Bùi