“Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười - Việc đâu bỏ đó, là người phiếu cao”!
(Dân trí) - Đó là câu “ca dao mới”, được Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản dẫn trong trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong nhân dịp kỉ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 - bài “Thế Nước, Lòng Dân, Vận Đảng”.
Đây là bài phỏng vấn rất hay, đặc biệt là phần trả lời thông minh, sắc sảo, giàu tính lý luận và rất thẳng thắn. Người viết bài này sẽ còn trở lại với trả lời phỏng vấn vì nó đề cập đến nhiều vấn đề cấp bách.
Trong bài này, xin bàn đôi nét về quyền lực và đạo đức của cán bộ hiện nay qua cái nhìn của Nhà báo Nhị Lê.
Thực ra, đạo đức và quyền lực là bài toán muôn thủa, tồn tại từ khi có giai cấp cho đến ngày nhân loại diệt vong. Bất cứ một thể chế nào cũng phải cân bằng giữa đạo đức và quyền lực bởi “quyền lực tuyệt đối sẽ tha hóa tuyệt đối”.
Kiểm soát quyền lực (như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhốt quyền lực”) và chọn người tài đức là cốt lõi của nền chính trị chân chính.
Đây cũng là điều mà Nhà báo Nhị Lê quan tâm trong bài phỏng vấn. Ông Lê nói:
“Cán bộ cho dù tài bao nhiêu thì tài, mà đức kém hoặc không có đức, thì thôi, cũng “chỉ như chiếc lá bay”, nếu không nói là tai họa. Quyền lực cao bao nhiêu, quan trọng và mạnh mẽ bao nhiêu, mà giao cho những kẻ vô đạo đức, thì nguy hiểm không khác gì thả rông thú hoang vào xã hội. Vì, nền chính trị chân chính nào cũng cần những người có đạo đức!
Nên dễ hiểu vì sao nhân dân mong có biểu tượng, tấm gương xứng đáng cho mình, cho quốc gia dân tộc, trước hết về đạo đức. Quyền lực càng cao, mà đức chửa tương dung, nói như cổ nhân: “Nhung y bất xứng kỳ đức”, thì hậu họa khôn lường!”.
Đây là nhận xét đúng nhưng chưa “đủ đô” bởi quyền lực cao mà giao cho kẻ vô đạo đức thì không chỉ “như chiếc lá bay” hay “thả rông thú hoang vào xã hội” mà thả thú dữ hoang vào xã hội. Người xưa có câu: “Quan ác, hơn hổ báo”.
Thực tế cho thấy cơ quan nào, đơn vị nào, địa phương nào mà người lãnh đạo không có tâm, có đức thì ở đó dân lầm than, khốn khổ.
Vậy nhưng thế nào là “đức” hay nói cách khác, thế nào là người cán bộ có đạo đức?
Ông Nhị Lê giải thích: “Lâu nay, đây đó đã hiểu sai lệch về Đức. Cứ thấy ông này không đụng chạm ai thì quy đó là tốt. Ông kia cả đời chả mở miệng được câu nào cho ra dáng con người chân chính thì bảo chín chắn. Có những chính khách, không cất nhời thì có thể hiểu về ông ta còn âm âm u u, nhưng cứ hễ mở miệng ra không còn nghi ngờ gì nữa.
Rồi, “Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười. Việc đâu bỏ đó, là người phiếu cao”(!). Đánh giá con người, cán bộ hóa ra rất mù mờ. Chưa nói tới hiện tượng “cả họ làm quan”, “cha truyền con nối” đang khuynh đảo không ít chốn quan trường. Cơ chế tuyển chọn người như thế, rất cần được cấp bách chỉnh đốn”.
Vâng, xin chưa bàn đến “cả họ làm quan”, “cha truyền con nối”, tham ô, nhũng nhiễu, “ăn không từ thứ gì của dân”, “coi mình như ông vua con”, “cầm cái gì thì chấm mút cái ấy, xà xẻo cái đó”… mà chỉ bàn đến một loại cán bộ vô thưởng, vô phạt, “Mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật” rất nhàm, nhảm và nhạt mà nói như Nhà báo Nhị Lê “cả đời chả mở miệng được câu nào cho ra dáng con người chân chính”.
Thế nhưng khổ thay, “có những chính khách, không cất nhời thì có thể hiểu về ông ta còn âm âm u u, nhưng cứ hễ mở miệng ra không còn nghi ngờ gì nữa”.
Và càng buồn hơn, họ lại thường có số phiếu cao trong các kỳ bỏ phiếu: “Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười. Việc đâu bỏ đó, là người phiếu cao”.
Có lẽ cùng với chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cũng rất cần phải loại bỏ những cán bộ kiểu này bởi họ chính là “Đó rách ngáng chỗ”, “Ngậm miệng ăn tiền”, thậm chí “ngáp phải con ruồi” có tên chức tước.
Song, nguy hại hơn là họ không làm gì sai (có làm đâu mà sai với đúng) nên rất khó có thể thay thế họ và càng nguy hại nữa là tuy không làm gì nhưng vẫn “ăn không từ thứ gì”…
Bùi Hoàng Tám