Để hiền tài xuất hiện và có “đất dụng”
(Dân trí) - Thiết nghĩ bên cạnh những “chiếu cầu hiền”, việc tạo một môi trường trong sạch, lành mạnh, và cạnh tranh cả về thu nhập và cơ hội, tin rằng, hiền tài sẽ không ngần ngại mà xuất hiện và cống hiến.
Tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 07/5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”.
Đây là cách nói rất sinh động của Bác về chuyện “tài” và “đức” trong sử dụng cán bộ.
Trong thực tế, chúng ta cũng đã từng chứng kiến, có không ít bài học cay đắng đã xảy ra do hậu quả của việc lựa chọn, sử dụng sai con người. Có những cán bộ, những yếu tố trong bộ máy do chỉ “có tài mà không có đức”, thậm chí không những “bất tài” mà lại còn “bất lương” nên dẫn đến biết bao thiệt hại cho đất nước, nhân dân, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và lòng tin của Nhân dân vào Đảng.
Đơn cử, trong vụ án “tham ô tài sản” xảy ra Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) mà nhân vật trung tâm là Trịnh Xuân Thanh, những lần trả lời trước toà đã khiến người ta không khỏi sửng sốt, đến ngao ngán và thất vọng.
Khó mà tin nổi với những câu từ, với những suy nghĩ hết sức ngô nghê và nực cười của con người ấy lại từng có thể là Phó tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT của một tổng công ty xây lắp hàng đầu ngành dầu khí, từng là Phó Chánh văn phòng Bộ Công thường, rồi Vụ trưởng, Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và “lăm le” giữ những chức vụ quan trọng khác.
Hậu quả là, chỉ nhìn vào con số thua lỗ trầm trọng ở PVC lên đến trên 3.274 tỷ đồng năm 2013 cũng đã thấy tính chất “nguy hiểm” của việc sử dụng nhầm người lớn đến mức nào. Đến nỗi mà tận quý I năm nay, PVC vẫn loay hoay trong “vũng lầy” nợ nần, thua lỗ, chưa thể thoát khỏi “cái bóng di sản” của Trịnh Xuân Thanh. Lỗ luỹ kế tại doanh nghiệp này ghi nhận đến 31/3/2019 là 3.664 tỷ đồng!
Liệu có còn những Trịnh Xuân Thanh thứ 2, thứ 3, thứ 4… nữa hay không? Dù có thể không phổ biến, nhưng chắc hẳn không phải hiếm. Những “sản phẩm lỗi” ấy sinh ra từ việc “giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác (tôi nâng đỡ con anh thì anh nâng đỡ con tôi, hoặc tôi nâng đỡ người của anh thì anh nâng đỡ người của tôi…) và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để được vào các vị trí trọng yếu” mà ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước nêu tại một bài viết rất đáng suy ngẫm gần đây.
Cũng bởi sự tồn tại của những cán bộ “không đủ phẩm chất và năng lực” ấy mà nhân tài mới bị chèn ép, không có cơ hội để cống hiến cho đất nước dù rất thiết tha.
Việc tìm chọn hiền tài đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và chú trọng. Thiết nghĩ bên cạnh những “chiếu cầu hiền”, việc tạo một môi trường trong sạch, lành mạnh, và cạnh tranh cả về thu nhập và cơ hội, tin rằng, hiền tài sẽ không ngần ngại mà xuất hiện và cống hiến.
Bích Diệp