Đất quá nóng rồi, ai sẽ "bỏng tay"?
(Dân trí) - Giá đất đã tăng, đang tăng, sẽ tăng và sau đó, chắc chắn sẽ giảm rất sâu. Đó là qui luật tất yếu của "thị trường bong bóng". Cuối cùng, sẽ có người "bỏng tay" để lại giấc mơ "bên kia bờ ảo vọng"…
"Làm việc cần mẫn cả năm không bằng một pha lướt đất", chủ một doanh nghiệp tại TP Vinh (Nghệ An) đã nói với người viết như vậy. Chẳng phải chờ đến giai đoạn này tình trạng sốt đất mới xảy ra, mà vốn dĩ trong tâm thức nhiều người dân, việc làm giàu từ đất đai vẫn "ngon ăn" hơn so với mở một công ty để sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt là kể từ đầu năm ngoái đến nay, tình hình dịch Covid-19 nên việc đầu tư sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Do đó, không chỉ người dân có nguồn vốn nhàn rỗi mới kinh doanh lướt đất, mà ngay cả những chủ doanh nghiệp cũng quyết định không mở rộng sản xuất mà "đánh quả" vài mảnh đất để kiếm tìm lợi nhuận.
Tư duy này có thể nói là bình thường. Thế nhưng ngẫm lại mới thấy, khi đất "lên ngôi" cũng là khi nền kinh tế sẽ khó mà phát triển một cách lành mạnh.
Đất tăng giá, đương nhiên doanh nghiệp kinh doanh phải hứng chịu thiệt hại đầu tiên do gánh nặng chi phí mặt bằng. Sau đó, địa phương sốt đất cũng chưa hẳn thu được lợi lộc gì vì sẽ bị giảm đi đáng kể tính hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư.
Đáng lo ngại hơn là bên cạnh những vùng đất "có tiềm năng", tình trạng sốt giá còn lan đến cả những địa điểm không có lợi thế kinh doanh. Giá đất tăng một cách phi lý và không thể lý giải. Cơn sốt đất lan rộng từ Bắc vào Nam.
Có người họ hàng khoe với tôi rằng, nhờ "khéo lướt" nên từ thời điểm ra Tết đến nay, chị đã bỏ túi được khoản lãi hơn 1 tỷ đồng - số tiền mà với một người làm công ăn lương như chị sẽ chẳng bao giờ mơ đến nếu không "chân trong, chân ngoài".
Thế nhưng, bản thân các nhà đầu tư lâu năm cũng đều ý thức được rằng, rủi ro "bong bóng" là rất hiện hữu. Một mảnh đất đang trong tình trạng "sốt" được ví tựa như hòn than càng ngày càng nóng lên, đến thời điểm nhà đầu tư vào sau không thể chịu được nhiệt thì người "cầm than" cuối cùng sẽ "bỏng tay". Ấy là lúc bong bóng vỡ.
Những bi kịch vỡ nợ chính là xảy ra vào thời điểm này. Bởi có một sự thật là không phải ai cũng sẵn hàng tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng để đầu tư vào đất đai nếu không dùng đến "đòn bẩy tài chính", có thể là vay ngân hàng, vay người thân người quen, thậm chí là vay "nóng" tín dụng đen.
Dạo gần đây, khi đầu tư đất được coi là "mốt", và người người khoe năng lực tài chính bằng "mấy mảnh đất" ở nơi này nơi kia thì giới kinh doanh bất động sản đất nền cũng lại có thêm hàng loạt chiêu trò "thổi giá", trong đó có những mánh khóe như đầu tư theo "tour", gài tay trong, cò mồi vào để tạo thanh khoản ảo, "lùa" nhà đầu tư mắc bẫy một cách nhanh gọn.
Vấn đề nằm ở chỗ, dường như nhà đầu tư nào cũng cho rằng, lường gạt sẽ "chừa mình ra", hoặc quá nóng vội để chớp thời cơ nên "sa bẫy" lúc nào không hay.
Hiện nay, với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, nhiều vùng từng "sốt đất" như các huyện ngoại thành Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Phước, Quảng Ninh, giá bắt đầu hạ nhiệt. Theo nhận định của lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, sang quý 2/2021, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.
Theo đó, giấc mơ làm giàu của một bộ phận người dân cũng sẽ tiêu tan. Điều đáng lo nhất là khi "nhiệt độ" hạ đột ngột, bao người sẽ mất tiền, bao người chưa kịp giàu đã mang gánh nợ?! Tôi thực sự không mong về trường hợp đó, dẫu rằng vẫn phải nhấn mạnh rằng: Kinh tế sẽ không thể nào phát triển lành mạnh nếu công cuộc làm giàu vẫn chỉ dựa trên cơ chế mua đi bán lại đất nền!
Xin được trích nhận định của Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về thực trạng, pháp luật của chúng ta quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, quản lý, nhưng chúng ta chưa xác lập những hạn chế có quyền sử dụng nhiều nhà, đất. Đây có thể là một trong nhiều nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng tăng giá ảo của bất động sản.
Và khi "cơn say đất" vẫn bùng lên năm này sang năm khác, bong bóng hết vỡ lại bị thổi căng…, những cái đầu nóng lao vào đất đai chưa kịp nguội, thì cần thiết vẫn là động thái căn cơ của các cơ quan Nhà nước xem xét, sửa lại luật cho phù hợp, để đất làm đúng chức năng của nó là "mặt bằng" sản xuất kinh doanh, là nơi an cư lạc nghiệp chứ không phải là để trao tay chớp nhoáng.