Dập “dịch” tham nhũng không thể bằng “giáo dục suông”
(Dân trí) - Có thể cảm nhận được sức nóng của phong trào chống tham nhũng ở nhiều nơi, thể hiện qua nhiều vụ việc được phanh phui, không kể đương chức hay đã nghỉ hưu, không kể là cán bộ chức vụ lớn hay nhỏ, một khi bị sai phạm đều bị xử lý.
Những cuộc tiếp xúc cử tri luôn là cơ hội để các cán bộ, lãnh đạo Nhà nước hiểu rõ nhất lòng dân đang nghĩ gì.
Sáng 29/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội có cuộc tiếp xúc cử tri TP Hà Nội. Trong buổi làm việc này, rất nhiều ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng đã được cử tri nêu lên, đa phần là mối trăn trở đến từ các bô lão.
Để nói về tình trạng coi nhẹ phòng chống tham nhũng, chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo cấp trên xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, một ví dụ điển hình được nhiều cử tri nhắc đi nhắc lại là vụ việc xử lý ở Yên Bái mới đây.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán nói: “Xử lý như vậy là rất vô lý! Tôi thấy nếu cứ làm nhẹ nhàng như ở Yên Bái thì không thể xử lý được cán bộ thiếu nghiêm túc”.
Cử tri Phan Văn Nhâm cũng bày tỏ: “Nhân dân chúng tôi đặt câu hỏi, không vùng cấm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng liệu còn có vùng tránh hay không?”.
Phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, công tác chống tham nhũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Có thể cảm nhận được sức nóng của phong trào chống tham nhũng ở nhiều nơi, thể hiện qua nhiều vụ việc được phanh phui, không kể đương chức hay đã nghỉ hưu, không kể là cán bộ chức vụ lớn hay nhỏ, một khi bị sai phạm đều bị xử lý.
Tuy nhiên, khi dẫn ra một số vụ cụ thể như vụ ở Yên Bái hay xử lý vụ bổ nhiệm “thần tốc” Trần Vũ Quỳnh Anh tại Thanh Hóa, cử tri cả nước vẫn chưa thật sự hài lòng. Mừng vui, hy vọng bao nhiêu khi lò chống tham nhũng đã nóng lên, củi khô củi tươi, củi nhỏ củi lớn đều bị đưa vào thì người dân cũng hụt hẫng không kém nếu có trường hợp chỉ xử lý mang tính hình thức và không thật sự mang tính răn đe. Liệu rằng chỉ với những hình thức kỷ luật “khiển trách”, “cảnh cáo” thì với những cán bộ không nghiêm túc họ có “nhờn”, có cảm thấy sợ mà “không dám tham nhũng” hay không? Cái lo của cử tri là ở chỗ đó.
Lòng dân cảm thấy yên tâm hơn với phát ngôn của Tổng Bí Thư rằng, khi lò nóng lên rồi, không ai có thể đứng ngoài cuộc. “Không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông mà phải bằng luật pháp. Giao cho anh quyền phải có “cái roi” để anh không thể, không dám và cũng không muốn tham nhũng”.
Trong một phiên thảo luận tại Quốc hội hồi đầu tháng này, ông Dương Trung Quốc phát biểu: “Muốn tham nhũng phải có quyền lực”. Ông Quốc cũng khoanh vùng cư trú của “dịch” này chỉ có thể nằm ở một bộ phận thiểu số những người có quyền chức thực sự và khẳng định “về căn bản xử lý được dịch”.
Vấn đề là bây giờ dịch đã nặng đến mức hết “gà u mê, dê lạc lối, mỳ tôm cũng lầm đường”, tài sản không phân biệt lớn bé đều bị quan tham nuốt trọn. Quả thực việc chống tham nhũng, diệt trừ tham nhũng không thể chậm trễ hơn, cũng không thể mỗi nói suông, giáo dục suông, giơ cao đánh khẽ mà được.
Nói như cử tri quận Tây Hồ: “Những cán bộ dính sai phạm cần phải xử lý nghiêm, cần phải có bản án chính thống chứ không được nghiêng về cảnh cáo về mặt đảng, khiển trách rồi cho nghỉ hưu”. Hơn lúc nào hết, dân đang rất trông chờ vào luật pháp, vì chỉ khi thực thi Nhà nước pháp quyền thì mới mong không còn chuyện tham nhũng “nhờn” hay “kháng thuốc”.
Bích Diệp