Đằng sau sự điên rồ của tiền và đất!

Bích Diệp

(Dân trí) - Một câu chuyện dở khóc dở cười về cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, Bình Phước được phóng viên Dân Trí ghi lại mới đây đã phần nào hé lộ bức tranh chung về thị trường bất động sản đang diễn ra....

Đằng sau sự điên rồ của tiền và đất! - 1

Theo phản ánh, giá đất ở Hớn Quản được đẩy lên cao trào khi cò mồi, người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Técníc với diện tích lên tới 500 ha. Oái oăm là cơn sốt này lại chỉ diễn ra vỏn vẹn trong khoảng… một tuần. Dòng người tìm đến cũng không còn, "bong bóng vỡ"!

Theo ghi nhận của PV Dân trí, trên thị trường có trường hợp "ôm" một miếng đất giá trị 23 tỷ đồng nhưng có nguy cơ mất trắng. Nhà đầu tư đã đặt cọc 4 tỷ đồng cho chủ đất là ông N.V.A. (người địa phương). Vấn đề nằm ở chỗ, giá trị thực của lô đất trên khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tính ra, nếu vẫn quyết tâm mua thì xem như nhóm nhà đầu tư trên bị lỗ 21 tỷ đồng, còn bỏ cọc thì mất 4 tỷ đồng. Than ôi… đúng là sự "điên rồ" của đồng tiền và đất đai!

Đến đây, tôi nghĩ sẽ có nhiều người chẹp miệng rằng "tham thì thâm" và kết quả "tiền mất tật mang" chính là cái giá phải trả cho sự liều lĩnh của những nhà đầu tư trên vì đã bị lợi nhuận "khủng" làm cho "mờ mắt".

Bản thân người viết thì cho rằng, một khi đã đầu tư thì ai cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận. Và xưa nay, chuyện giàu lên từ đất đai cũng chẳng ai lạ gì! Thế nên, nói về lòng tham của nhà buôn dường như là điều… quá hiển nhiên.

Quả bóng nào thổi mãi thì cũng có lúc vỡ. Có người ví von bất động sản trong cơn sốt giá tựa như hòn than vậy, người giữ cuối cùng sẽ… bỏng tay.

Vấn đề là khi giá trị cả một mảnh đất được "thổi" từ 2 tỷ đồng lên 23 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần thì đây còn là câu chuyện của cả thị trường và cả nền kinh tế, chứ không chỉ là mấy chục tỷ đồng thiệt hại của một nhóm người.

Không biết từ lúc nào, bất động sản trong mắt nhiều người đã trở thành một dạng tài sản đầu cơ để đẩy qua đẩy lại chứ không phải là "mặt bằng" phục vụ cho sản xuất kinh doanh nữa. Người ta chỉ nghĩ rằng: "Mảnh đất đó bán đi được bao nhiêu tiền?" chứ không phải là "sẽ làm gì trên mảnh đất đó?".

  1. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam bình luận: "Việc mọi người chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế".

Và gần đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong một lần trao đổi trên Dân Trí cũng đã nêu quan điểm: "Không thể cất cánh nền kinh tế bằng bất động sản được".

Người viết cũng có chung cách nhìn nhận trên.

Trong điều kiện nền lãi suất thấp, nguồn tiền đầu tư đổ vào các kênh bất động sản, vàng, chứng khoán… là quyền của người cầm tài sản trong tay. Nhưng với lượng vốn tới hàng nghìn tỷ, hàng trăm nghìn tỷ đồng luân chuyển thì rõ ràng đã phản ánh một thực tế: Tài sản nhàn rỗi trong xã hội vô cùng lớn.

Do vậy, có hai vấn đề trước mắt cần giải quyết đó là huy động nguồn vốn đó chảy vào sản xuất và không để tiền từ ngân hàng chảy vào đầu cơ bất động sản, gây ra hệ lụy nhãn tiền là người dân "vỡ nợ" còn trật tự xã hội thì bất ổn.

Sâu xa hơn là xây dựng được tinh thần khởi nghiệp, thay đổi tư duy từ "chộp giật", "đánh quả" sang "đầu tư" một cách nghiêm túc, bài bản.

Có như vậy thì mới hi vọng bớt đi những chuyện oái oăm như ở Hớn Quản, mới xây dựng được một "quốc gia khởi nghiệp" và kinh tế đất nước trong thời kỳ mới có thể gọi tên những tập đoàn sản xuất lớn, chứ không chỉ là những "đại gia" bất động sản.