Dân nước mình… “chẳng giống ai”. Lạ!

(Dân trí) - Lạ! Quá lạ! Có lẽ không có bất cứ người dân ở đâu lại lạ như dân nước Việt mình. Lạ. Cực kỳ lạ. Lạ đến mức… chả giống ai. Nói dân mình “lạ” là bởi theo Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền kể giữa nghị trường Quốc hội hôm 17/11, có vị cán bộ nói trên truyền hình rằng: “cán bộ không nhận mà do dân cứ đưa tiền”.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Mình không xem chương trình đó nên không biết vị cán bộ đó là ai, nói khi nào nhưng một khi đại biểu Quốc hội nói trên nghị trường thì mình tin là có, 100% là có.

Vì tin nên mình thấy lạ, rất lạ cho dân nước mình bởi theo ý câu nói đó thì cán bộ, công chức nước mình liêm khiết lắm, trung thực lắm, chí công, vô tư lắm…

Họ không và ngàn lần không muốn nhận cái gọi là đồng tiền “bẩn” mang tên “hối lộ” mà tại vì dân nước mình hư, “đạo đức” công dân kém đến mức “cán bộ không nhận” mà dân “cứ đưa”.

Thế là lỗi tại dân. Dân làm hư cán bộ.

Mà dân nước mình lạ nhỉ. Đồng tiền mồ hôi, nước mắt, thậm chí có khi phải trả bằng cả máu mới có. Thế mà không hiểu sao lại dễ “đưa” thế.

Mà lại đưa rất tận tình, đưa rất quyết liệt, đưa… không khoan nhượng. Nhiều khi đưa tinh vi đến mức kín đáo gói vào trong túi quà, bỏ cùng chai rượu trong túi nên cán bộ không, không biết. Có người còn tinh vi, kín đáo đến mức đưa cho vợ cho con các sếp nên sếp nào có biết gì đâu?

Từ lâu, trên mạng còn lưu truyền tài liệu dạy… cách “cứ đưa” với những chiêu thức cực kỳ tinh vi.

Lạ! Mình không tài nào lý giải nổi vì sao dân nước Việt mình lạ thế thì may quá, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đã giải thích: “Phải xem lại cán bộ mình tại sao dân lại cứ đưa. Bởi vì người ta không còn niềm tin với anh nên người ta phải đưa. Như chữa bệnh người ta phải đưa tiền, vì họ nghĩ rằng nếu không đưa thì chữa không tốt. Tôi xin vào công chức nhà nước, tôi phải chi tiền vì tôi sợ không công tâm về công tác tổ chức. Bây giờ nếu tôi không chạy tiền thì ông khác chạy mất thì sao?... Nếu không xây dựng lòng tin với dân thì đi đến đâu người dân cũng đưa tiền. Nhưng đưa tiền không phải vì kính nể…”.

Ra thế! Té ra là như thế!

Người dân “phải đưa” (chứ không phải “cứ đưa” như lời vị cán bộ nói trên ti vi) vì họ không tin ở cán bộ công chức. Niềm tin ấy vơi hao đến mức nếu như khám bệnh mà không đưa phong bì thì dù vị thầy thuốc đó thật sự là “lương y”, người dân cũng không tin. Có cán bộ công chức nào đó vô tư thật thì người dân cũng… không tin!

Sẽ rất nguy hiểm cho một xã hội mà ở đó, người dân không còn lòng tin nữa.

Vâng! ĐB Thuyền còn nói thẳng rằng người dân đưa tiền “không phải vì kính nể”.

Quá đúng!

Người dân làm được đồng tiền khó khăn lắm, mồ hôi nước mắt lắm. Người Việt Nam có câu: Đồng tiền liền khúc ruột. Mỗi lần “cứ đưa”, họ đau xót như phải cắt từng khúc ruột nhưng vẫn bắt buộc phải đưa.

Nói cho cùng theo mình, người dân Việt Nam cũng như công dân mọi nước trên thế giới thôi, đều “của đau, con xót”, đều yêu quý đồng tiền như máu thịt chứ dân mình không lạ đến mức tự dưng “cứ đưa” như lời cái ông cán bộ nói trên truyền hình mà ĐB Thuyền đã kể, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!