Dân chúng em xin lạy các bác… vạn lạy!
(Dân trí) - Vâng, em lạy các bác vì mới đây, khi thống kê 10 tháng đầu năm 2014 có tới 9.017 văn bản vi hiến, trái luật được phát hiện. Tức là mỗi ngày có tới… 30 văn bản sai sót. Em lạy cái kiểu làm luật như “vá săm xe” cho nên luật ban hành chưa có hiệu lực đã bị đề nghị sửa...!
Trên báo Vietnam Net ngày 14/4 vừa qua, TS. Trần Văn Biên (Viện Nhà nước và Pháp luật) có bài viết với cái nhìn đầy… hài hước: Làm luật như ‘vá săm xe đạp’. Tác giả bài báo cho biết, theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, nếu không có gì thay đổi thì trong năm 2015, Việt Nam sẽ có Bộ luật Dân sự mới. Như vậy theo chu kỳ, cứ sau 10 năm nước ta lại ban hành một Bộ luật Dân sự (1995, 2005 và 2015). Hiếm có nước nào như Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn mà sắp có tới 3 Bộ luật Dân sự.
“Có một luật gia từng ví: “Làm luật ở Việt Nam giống như vá săm xe đạp, thủng chỗ nào vá chỗ đó”. Câu ví này ý nói, việc xây dựng và ban hành luật ở Việt Nam mang tính chắp vá, không có tính chất dài hơi”. Bài báo viết.
Tuy nhiên theo TS Biên, “riêng với việc xây dựng Bộ luật Dân sự ở Việt Nam, nếu được thực hiện theo phương thức “vá săm xe đạp” thì lại có nhiều ý nghĩa tích cực. Nghĩa là, sau khi ban hành và đưa vào thực hiện trong cuộc sống, nếu phát hiện những quy định, chế định nào của Bộ luật Dân sự bất cập cần sửa đổi, bổ sung thì chúng ta ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự”.
TS. Biên ví von: “Nói một cách hình ảnh, sau một thời gian chạy trên đường nếu “chiếc bánh xe Bộ luật Dân sự” bị xuống hơi hay bị thủng thì chúng ta “bơm, vá” để nó có thể chạy bình thường trở lại. Cứ như thế chúng ta tiếp tục bơm, vá cho đến khi nào không còn bơm, vá được thì thôi; tức là lúc này các quy định của Bộ luật Dân sự đã trở nên tương đối ổn định và hoàn thiện, thì mới tính đến chuyện ban hành Bộ luật Dân sự mới (thay săm mới)…”.
Trước hết, mình là người “ngoại đạo”, chẳng hiểu biết bao nhiêu về cái qui trình của các bác, còn TS Biên là người trong nghề nên đương nhiên, ông hiểu rõ ràng và sâu sắc vấn đề này.
Tuy nhiên, mình thấy TS Biên nói vậy có vẻ… “không phải zậy” bởi mình nghĩ, luật pháp phải là cái “cọc chuẩn” mà ở đó vừa có tính thực tế, vừa có tính tiên lượng.
Nói cụ thể, nó vừa phải gắn với thực tế, vừa phải có sức sống trong một thời gian dài bởi mỗi sự thay đổi đều có tác động rất lớn đến hoạt động của toàn xã hội cả trong tương lai.
Do vậy việc thay đổi chỉ là hãn hữu, là không thể chứ không như “vá săm xe” được.
Vả lại thời đại hiện nay, người ta đi xe máy và cả ô tô. Nói dại, xe đạp mà nổ lốp có khi cũng nguy hiểm còn xe ô tô chạy cả trăm km/giờ mà nổ lốp trước thì có mà… chầu ông vải.
Còn nhớ báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 15-1cho biết, chỉ 10 tháng đầu năm 2014, đã có tới 9.017 văn bản vi hiến, trái luật được phát hiện. Tức là mỗi tháng có tới hơn 900 và mỗi ngày có tới… 30 văn bản sai sót.
Một con số kinh khủng trong một nhà nước pháp quyền bởi mỗi sai sót dù nhỏ nhất cũng gây hậu quả khó lường.
Chợt nhớ tấm ảnh cái biển tuyên truyền cho công tác sinh đẻ có kế hoạch, “cậu đánh máy” chỉ xuống dòng không hợp lý mà câu “Mỗi gia đình có hai con, vợ chồng hạnh phúc” biến thành “Mỗi gia đình có hai con vợ… chồng hạnh phúc!”.
Trở lại với bài viết của TS Biên, theo mình cứ làm luật kiểu “vá săm xe đạp” thì đến bao giờ chúng ta mới xây dựng được một nhà nước pháp quyền và có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến các vụ oan sai ngày càng tăng, khiếu kiện ngày càng nhiều và có những luật mà chưa có hiệu lực đã đứng trước nguy cơ phải sửa như Luật Bảo hiểm gần đây.
Nói thật, nếu làm luật kiểu “vá săm xe đạp” thì dân chúng em đến xin lạy các bác… vạn lạy!
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.