Đại dịch “chán trai làng”?

Joe trăn trở về hiện tượng “chán trai làng” ở một số phụ nữ Việt. “Có phải văn hóa Việt đã quá dễ dãi với người nước ngoài?” Tính sính ngoại, thích đồ Tây xuất phát từ đâu?...

 

Vừa rồi có hai bài báo khiến tôi nghĩ nhiều về phụ nữ Việt Nam.

 

Bài đầu tiên có tiêu đề “Tại sao gọi chúng tôi là nỗi nhục quốc thể?” là bài tâm sự gửi báo của chị Trần Thị Nguyên, một trong 40.000 cô dâu Việt trên xứ Hàn. Chị Nguyên cảm thấy phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn bị dư luận lên án quá đáng, muốn chia sẻ kinh nghiệm từ góc nhìn là một người trong cuộc. Tôi thấy đoạn này là ấn tượng nhất:

 

“Tôi và nhiều cô dâu khác không được học hành tới nơi tới chốn, nhưng cũng còn khá hơn nhiều chàng trai làng khác. Tôi sợ hãi ngày mình sẽ ở cùng nhà với những thanh niên ít học, rượu chè, cờ bạc và thô lỗ. Tôi cũng không muốn gia đình tôi mãi mãi chỉ là một túp lều mà cả đời lao động vất vả cũng không thể làm nó khang trang hơn.”

 

Bài thứ hai là thông báo kết quả nghiên cứu toàn quốc của Tổng cục Thống kê và UNICEF về Đánh giá các mục tiêu Trẻ em và Phụ nữ. Trong đó:“Cứ 3 phụ nữ thì 2 người đồng ý với việc chồng có quyền đánh vợ nếu người vợ có một trong 5 khuyết điểm sau: Vợ đi chơi mà không nói cho chồng biết. Vợ bỏ bê con cái. Vợ cãi lại chồng. Vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng. Và vợ nấu thức ăn bị cháy.”

 

Hai bài. Một điển hình phụ nữ, một kết quả nghiên cứu. Một điển hình phụ nữ sợ thành kết quả nghiên cứu.

 

Thêm vào đó, tôi ngày càng nghe các bạn nữ nói “Tớ sẽ không bao giờ lấy chồng Việt Nam”. Trước đó chỉ là vài bạn “Tây hơn cả Tây”, nhưng bây giờ tôi nghe câu đó nhảy lên từ đôi môi một số bạn nữ “rất Việt Nam” – tức là cách ăn mặc và ăn nói rất truyền thống, trừ câu nói đó ra. Hình như nói vậy không còn là điều cấm kỵ.

 

Rồi là những bài viết hàng tuần khác với tiêu đề như “Đàn ông Việt có thể phải sang châu Phi tìm vợ”, hoặc “Đàn ông Việt đang thất thế?” (với hàng trăm phản hồi), các talkshow truyền hình, v.v. Những bài viết và cảm nhận này đến với tôi một cách ngẫu nhiên; tôi lướt web, mở facebook, đi cà-phê nghe trộm bàn bên cạnh. Tôi không phải tiến sĩ xã hội học, tôi không cố tình đi tìm.

 

Nếu tôi đọc và nghe những điều này thì chắc chắn nhiều người đàn ông Việt Nam cũng đã đọc và nghe. Tôi muốn biết cảm giác của họ. Có công bằng không? Quá đáng? Nếu hàng trăm nghìn phụ nữ Canada lấy chồng nước ngoài với lý do “không muốn gia đình tôi mãi mãi chỉ là một túp lều” (hoặc nói đúng kiểu Canada thì “mãi mãi là túp lều tuyết”), nếu năm nào cũng có kết qủa nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đàn ông Canada đánh vợ, áp đặt suy nghĩ hoặc có quan hệ mại dâm cao, nếu đi cà-phê nghe trộm được các em thề với nhau rằng họ sẽ “không bao giờ lấy chồng Canada” – tôi sẽ không biết nghĩ gì luôn. Tôi sẽ sốc.

 

Sốc xong tôi sẽ nghi ngờ. Đầu tiên tôi sẽ nghi ngờ về độ tin cậy của thống kê, đạo đức của các chị em đã và định lấy chồng nước ngoài. Qúa trình nghiên cứu có ổn không? Các em đó có hư không? Có âm mưu? Sau đó tôi sẽ nghi ngờ về quy mô. Có phải đó chỉ là một vài con sâu làm rầu nồi canh? Canada có mấy chục triệu dân, chuyện một số người phụ nữ đi lấy chồng Mỹ rồi nói đàn ông mình thế nọ thế kia là không tránh được. Thế giới hiện đại. Chuyện bình thường.

 

Tôi sẽ nghĩ đó là do báo chí “bé xé ra to”. Tôi sẽ nhìn các gia đình hạnh phúc xung quanh, bạn bè thân, người trong họ. Tôi sẽ thấy nhiều gia đình hạnh phúc, chồng tốt với vợ, vợ tốt với chồng. Vậy tôi sẽ cảm thấy yên tâm. Báo mạng đang tăng độ hấp dẫn cho công ty quảng cáo, blogger đang tăng lượt truy cập. Tất cả chỉ là âm mưu nhảm nhí với mục đích kiếm tiền. Không phải quả bom nổ chậm.

 

Có thể tôi sẽ nhìn vào chính mình một chút. Có thể.

 

Đại dịch “chán trai làng”? - 1

Tôi tiếp tục nhận xét về chuyện này sẽ hơi khó. Là người sống ở Việt Nam lâu nên tôi nghĩ tôi có quyền nhận xét. Là vấn đề bức xúc trong xã hội nên tôi nghĩ tôi nên nhận xét. Nhưng tôi là đàn ông da trắng đến từ đất nước phát triển. Dù viết khéo léo đến mấy, bài sẽ chạm vào lòng tự ái của nhiều người. Sẽ có phản ứng bộp chộp.

 

Tôi viết rõ hơn về đàn ông và việc xem lại bản thân là chính bản thân tôi sẽ xem nhiều cục đá bay vào nó – xem một lần mà không xem lại. Công bằng mà nói, nếu tôi là đàn ông Việt Nam chắc tôi cũng không thích các ông Tây viết blog về chủ đề phụ nữ Việt Nam, tư duy hiện đại và quả bom nổ chậm.

 

Vậy tôi sẽ khai thác theo hướng mới. Hướng mới này cũng sẽ hút đá vào mặt tôi nhưng (hy vọng) đá nhỏ hơn.

 

Tôi không rõ cảm giác đàn ông Việt khi bị phụ nữ dân tộc mình bỏ qua, nhưng tôi rất rõ cảm giác khi được phụ nữ dân tộc họ quan tâm. Vui. From zero to hero. Điều nhiều người chưa biết là họ quan tâm ít khi vì tiền. Những người phụ đó thường giỏi giang, biết làm đẹp, có thu nhập ổn định. Nếu thích họ có thể tìm một anh Việt Nam giàu hơn tôi nhiều. Nhưng với họ tiền có vẻ không quan trọng. Cái họ quan tâm nhiều nhất là cách đối xử, cách chia sẻ cảm xúc, sự ủng hộ, độ chung thủy, quan điểm bình đẳng giới, khả năng dành thời gian... Xấu trai như tôi cũng được. Cái chính là tư duy. Đúng hay sai, họ nghe ở đâu đó tư duy đàn ông Tây có khác.  

 

Từ 1995-2007 có gần 200.000 phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông của 60 nước (ĐH KH XHNV Hà Nội). Đó là con số lớn. Đến từ nông thôn miền Tây thì nhiều, đến từ các thành phố phát triển cũng nhiều. Từ phụ nữ nghèo ở quê đến phụ nữ quý tộc ở thành phố. Giả sử quả bom nổ chậm là có thật. Giả sử số người phụ nữ Việt muốn lấy chồng “không phải người Việt” đang khá cao. Có khi để đổi đời, có khi để “chia sẻ”, có khi vì sợ gặp thanh niên ít học, sợ bị chồng đánh vì nấu thức ăn bị cháy. Giả sử đại dịch “chán trai làng” đang lan tràn.

 

Điều đó dẫn đến câu hỏi: “Có phải văn hóa Việt đã quá dễ dãi với người nước ngoài?” (dễ dãi với với bọn tôi?) Tính sính ngoại, thích đồ Tây xuất phát từ đâu? Vì sao văn hóa mẹ đẻ lẫn các con trai do người mẹ Việt Nam đẻ đang bị coi nhẹ vậy?  Có phải phụ nữ đang có vấn đề?

 

Tôi nghĩ ngay đến cái thực tế của người Việt, một điều đó tôi nhận thấy từ lâu. Tôi thấy dân tộc Việt vốn rất thực tế và thực dụng, theo ý nghĩa thuần túy – “đánh giá mọi cơ hội dựa trên giá trị do quan sát và thử nghiệm mà có”. Không phải vì ông trời nói mà làm.

 

Việt Nam là đất nước duy nhất trên thế giới chống lại quân Mông Cổ vào đỉnh cao Đế quốc. Vì sao? Vì Việt Nam thực tế. Chiến dịch “vườn không nhà trống” của Việt Nam vô cùng thực tế, cũng như chiến dịch bãi cọc Bạch Đằng, v.v. Việt Nam không bị khái niệm lớn lao thôi miên mà tập trung hết mình vào duy nhất một câu hỏi “Làm thế nào để đuổi giặc đi?”

 

Có nhiều ví dụ khác. Robocon là cuộc thi đo độ thực tế của sinh viên học ngành kỹ sư. Năm 2002, 2004 và 2006 Việt Nam được giải vô địch – mặc dù GDP rất thấp so với các nước khác tham gia. Cặp dây đu trên sông Poko lên báo cách đây mấy tháng, mặc dù gây sốc nhưng vẫn là phát minh rất thực tế. Trong khi nhiều đất nước bước ra thế giới với các mục đích lớn lao và lý thuyết, chính sách đối ngoại của Việt Nam được nhiều chuyên gia nói là rất thực tế, v.v.

 

Người Việt giỏi tập trung vào cái trước mắt. Cái chính là cái áp dụng, cái do quan sát và thử nghiệm mà có. Mặt tích cực là người Việt Nam rất tỉnh táo, đánh giá rất chuẩn từng vấn đề từng người. Mặt tiêu cực là nếu tập trung quá nhiều vào cái trước mặt mình, cái sờ được, cái cầm được, thì sẽ làm giàu cho cá nhân nhiều hơn làm giỏi cho cộng đồng . Một bài viết gần đây phàn nàn: “Quốc gia làm sao giàu mạnh, hùng cường nếu kẻ có học chỉ dùng tài của mình, tìm cách gom mái giọt ranh làm ướt bàn chân bé nhỏ hay mấy người của nhà mình?”.

 

Quay lại chuyện phụ nữ, đàn ông. Đọc xong bài của chị Nguyên (chị phụ nữ miền Tây lấy chồng Hàn), một độc giả phàn nàn: “Có vô số các nước nghèo không thua Việt Nam. Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Vậy tại sao Việt Nam lại để cái trò lấy chồng ngoại quốc này trở thành vấn nạn xã hội?”

 

Đúng là có nhiều nước “nghèo không thua Viêt Nam” mà phụ nữ ít lấy chồng nước ngoài. Có lẽ do các chị em ấy nghĩ tới khái niệm lớn lao, từ thánh A-la đến vinh quang dân tộc. Có lẽ với nhiều em Indonesia, chuyện “anh cũng là người Indonesia” (và được bố mẹ giới thiệu) là đủ để nhận lời kết hôn. Vì không phải chỉ có hai người, hai gia đình trong cuộc mà có cả thánh A-la và đạo Hồi nữa.

 

Ở Việt Nam không có “A-la” mà có “Ao Ta” là khái niệm lớn lao có thể thuyết phục các em Việt lấy các anh Việt vì có máu Việt. Nhưng Ao Ta đang thiếu nước. Với nhiều em Việt Nam, chuyện “anh cũng là người Việt chứ” là chưa đủ. Niềm tự hào dân tộc nghe rất hay nhưng vẫn hơi trên trời. Các em ấy sẽ đánh giá theo tiêu chuẩn “mặt đất”, theo lối kinh nghiệm, do quan sát và thử nghiệm mà có – “Anh sẽ đối xử với em như thế nào, anh sẽ lo cho em những điều gì, anh có biết nhu cầu cảm xúc của em là như thế nào và anh có đáp ứng được không? Và anh ơi, một câu hỏi nữa. Anh có yêu em không?” (Ai bảo thực tế và lãng mạn trái nghĩa nhau?)

 

Ở nhiều nước, “Anh cùng dân tộc với em” là lợi thế do thiên nhiên mang lại. Ở Việt Nam thì chưa. “Anh là người Việt thì tốt nhưng em có nhu cầu cảm xúc anh không thể đáp ứng được bằng máu.”

 

Có lẽ đó là một phần vì sao “cái trò lấy chồng ngoại quốc” xảy ra, vì sao người Việt “sính ngoại thích đồ Tây, hoặc “dễ dãi với người nước ngoài” (cũng là một phần vì sao người Việt cởi mở ở nước nhà và thành công ở nước khác). Về cơ hội, phụ nữ Việt Nam ít khi “lập hàng rào quan thuế” mà mua bán theo giá trị thực chất. Đó là điều tốt, nhưng trong thời buổi hội nhập này “sản phẩm” nước ngoài rất dễ cạnh tranh.  

 

Joe