Đã là “tượng đài”, có nên “vội vã” với huân chương?

(Dân trí) - Báo Dân trí cho biết, TP Hà Nội công bố danh sách 4 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống COVID-19, lấy ý kiến nhân dân trong 7 ngày trước khi đề nghị tặng thưởng huân chương .

Đã là “tượng đài”, có nên “vội vã” với huân chương? - 1

Với tập thể, cá nhân được đề nghị xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất, 17 thành viên trong Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đều bầu xét tặng cho nhân dân và cán bộ Hà Nội (tập thể) và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội (cá nhân).

Việc lấy ý kiến người dân cho thấy rất trân trọng tinh thần dân chủ, lắng nghe ý kiến nhân dân của lãnh đạo TP Hà Nội.

Cùng thời điểm này, Đà Nẵng cũng lập danh sách đề nghị tặng thưởng huân chương cho Chủ tịch UBND Thành phố và Giám đốc sở Y tế.

Cụ thể, Huân chương Lao động hạng II cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng. Huân chương Lao động hạng III cho Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ và Giám đốc sở Y tế Ngô Thị Kim Yến. Hiện, bà Yến đã xin rút.

Thực hiện lời kêu gọi góp ý của TP Hà Nội, với tư cách công dân Thủ đô, tôi xin thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, đó là rất nên cân nhắc đối với đề xuất này.

Lý do thứ nhất, đến nay dù Việt Nam đã có những thành công to lớn trong việc phòng chống dịch Covid 19, song, trước những diễn biến vô cùng phức tạp của loại virus này, chúng ta chỉ mới “chiến thắng trận đầu” như nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid 19. Vì vậy, về thời điểm, đây liệu có phải là lúc thuận lợi hay chưa?

Lý do thứ hai, về đối tượng khen thưởng. Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các vị lãnh đạo cả hai thành phố và các địa phương khác. Nhưng dù sao thì sự đóng góp đó là ở hậu phương, ở “tuyến sau”.

“Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, song sẽ là thế nào đối với những hi sinh, vất vả và đóng góp to lớn về mọi lĩnh vực với các y bác sĩ ngày đêm đối diện trực tiếp với người bệnh.

Liệu có thể so sánh được với những gian lao, vất vả ngày đêm lặn lội nơi rừng sâu, núi thẳm của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân nơi biên cương những ngày giá rét?

Rồi địa phương này được tặng thưởng, địa phương khác thì sao? Cả các bộ, ngành và tổ chức xã hội, họ cũng rất nhiều nỗ lực. Nếu tặng thưởng tất cả, liệu có tạo thành “mưa”?

Lý do thứ ba, về mức đề xuất khen thưởng, nếu Trưởng ban chỉ đạo của Thành phố là Huân chương Lao động hạng nhất thì các thầy thuốc và Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia sẽ là hạng mấy?

Tóm lại, trên tinh thần nói thẳng, nói thật theo đề xuất của TP Hà Nội, cá nhân tôi cho rằng rất nên cân nhắc đối với việc “báo đáp công lao” này.

Khi nào dịch Covid 19 hết hẳn, không còn uy hiếp tái phát, lúc ấy bàn chuyện này cũng chưa muộn.

Và tôi nghĩ, phần thưởng này trước tiên nên dành cho các nhà khoa học, các thầy thuốc, y bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các doanh nhân, doanh nghiệp có những đóng góp to lớn về tài chính…. Còn là cán bộ lãnh đạo, trước hết và trên hết, hãy coi đây như nhiệm vụ của mình với dân, với nước.

Điều quan trọng của người lãnh đạo, đó là dựng tượng trong lòng dân chứ đâu phải những danh hiệu này, phần thưởng nọ với “tình thương mến thương” do thuộc cấp bình bầu cho thủ trưởng.

Hình ảnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, của Trưởng ban chỉ đạo Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long… và các thầy thuốc của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và các bệnh viện khác đã là “tượng đài” trong lòng dân những ngày đại dịch, liệu có nên “vội vã” với những tặng thưởng, huân chương?

Bùi Hoàng Tám