“Đã cải cách thì phải ra cải cách!”

(Dân trí) - “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh.

“Đã cải cách thì phải ra cải cách!” - 1

Đây là quan điểm của người đứng đầu Chính phủ khi chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công vào chiều ngày 4/3 vừa qua.

Đây cũng là phiên họp đầu tiên mà người đứng đầu Chính phủ chủ trì khi nhận nhiệm vụ mới - Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương thay cho ông Vương Đình Huệ hiện đã đảm nhiệm chức vụ Bí thư thành uỷ Hà Nội.

Chương trình cải cách tiền lương lần này được người dân rất quan tâm bởi lương là một phần rất lớn quyết định đến hiệu suất lao động, ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần của đội ngũ cán bộ, công chức, người thụ hưởng chính sách.

Chế độ chi trả tiền lương thể hiện được sự tiến bộ, công bằng và nhân văn trong công tác quản trị, điều rất quan trọng hơn nữa là quyết định đến việc có nâng cao được chất lượng làm việc ở khu vực công hay không.

Nếu như trước đây, trong quan niệm của người dân, “vào Nhà nước” được định nghĩa cho sự “ổn định” và “an nhàn” thì ngày nay, tư duy này sẽ phải thay đổi. Cũng như phải xoá bỏ tình trạng “xin việc”, “xin một chân” trong đơn vị này, đơn vị kia nhờ vào các “mối” quen biết.

Quá nhiều bất cập đã bộc lộ rõ rệt trong cơ chế tiền lương gắn với biên chế Nhà nước suốt hàng chục năm qua. Số lượng biên chế bị phình to,“ngốn” quá nhiều ngân sách thường xuyên, trong khi thang bậc, bảng lương có phần “cào bằng” tưởng là công bằng, nhưng lại nhiều bất hợp lý.

Rõ ràng, sẽ rất thiếu tính thuyết phục nếu như vẫn còn tình trạng cán bộ giữ vị trí quan trọng, gánh vác nhiều trách nhiệm mà mức lương chi trả cũng không khác là bao so với những công chức thông thường, có trách nhiệm ít hơn.

Cũng chính bởi sự ngược đời, phi lý đó mà nảy sinh ra những sự phi lý, nực cười, chẳng hạn như cán bộ làm giàu bằng “bán chổi chít, chạy xe ôm” v.v. Hệ quả tiêu cực, nhức nhối nhất mà xã hội phải gánh chịu, đấy chính là tệ nạn tham nhũng.

Một người có chức vụ, có quyền hạn, để giữ được mình trong sạch trong bối cảnh thu nhập không tương xứng, đó quả là thách thức không nhỏ, cần một bản lĩnh lớn, cần đức kiên trung. Nhưng, không ít người đã sa ngã, ngay cả với một số vị trí cấp cao.

Chính bởi vậy, sự thay đổi, đột phá trong cơ chế tiền lương chính là phải tạo điều kiện tốt nhất cho con người phát triển, phát huy hết năng lực; trả công tương xứng cho giá trị cống hiến của họ, thay vì đặt họ vào thế phải giằng co, tranh đấu nhằm giữ bằng được phẩm chất, lương tri.

Song, để làm được điều đó, cần thiết phải có nguồn lực chi trả. Vấn đề này cũng đã được đem ra thảo luận tại phiên họp nói trên và Thủ tướng đã khẳng định rằng: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Đây cũng chính là mấu chốt để đảm bảo sự thành công của cơ chế tiền lương mới khi áp dụng vào thực tiễn vào năm 2021.

Người viết hoàn toàn nhất trí với những ý kiến đưa ra tại phiên họp vừa qua: Gốc của vấn đề là phải tinh giản biên chế, cân đối được bài toán ngân sách hay đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nguyên tắc thiết kế thang bảng lương cần căn cứ mức độ phức tạp của vị trí việc làm.

Nói một cách thẳng thắn và giản đơn, đó là loại bỏ những người không làm việc (không có khả năng hoặc không chịu làm việc), loại bỏ số lượng lớn “công chức cắp ô” ra khỏi bộ máy; bỏ bao cấp đối với những đơn vị có khả năng tự hoạt động, có nguồn thu. Theo đó, tư duy “bú mớm”, coi ngân sách là “nguồn sữa” cũng sẽ không còn.

Khi có quyết tâm và triển khai mạnh mẽ, tin chắc rằng, cải cách tiền lương sẽ là một cuộc “cải cách thực sự” như Thủ tướng tuyên bố, chứ không chỉ là việc bù trượt giá.

Bích Diệp