Cuộc “đọ sức” giữa trái tim và luật pháp

(Dân trí) - Có thể nói, đây là cuộc “đọ sức” quyết liệt giữa trái tim và luật pháp. Hi vọng rằng sức mạnh của trái tim, của tình người, của lòng nhân ái cuối cùng sẽ chiến thắng bởi đó chính là sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Câu chuyện bắt đầu bằng sự hi sinh đáng khâm phục của Thiếu tá Trần Duy Nghĩa. Tối 19/4/2011 (2/giêng âm lịch) tại km 201+700 Quốc lộ 32, phường Trung Tâm, TX. Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, Thiếu tá Nghĩa được phân công tăng cường cho lực lượng phân luồng giao thông khiến 2 người tử vong. Khi đang làm nhiệm vụ, Thiếu tá Nghĩa phát hiện một chiếc xe môtô mang biển KS 21V9 - 2293 chở theo 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, trong trạng thái say rượu di chuyển với tốc độ rất cao vào khu vực hiện trường đang được bảo vệ. Nhận thấy nguy cơ xảy ra tai nạn với đồng đội và người dân đứng xem, Thiếu tá Nghĩa đã chủ động dùng tín hiệu cảnh báo nguy hiểm, đề nghị giảm tốc độ. Nhưng chiếc xe đã đâm thẳng vào người, khiến Thiếu tá Trần Duy Nghĩa tử vong.

Cái chết của Thiếu tá Nghĩa khi đang thực hiện nhiệm vụ đúng vào thời điểm đầu năm mới không chỉ gây xúc động sâu sắc trong lực lượng Công an Yên Bái mà còn làm xúc động đông đảo quần chúng nhân dân. Lãnh đạo Công an Yên Bái đã trực tiếp tổ chức tang lễ trọng thể đồng thời phát động học tập tấm gương anh dũng hi sinh để bảo vệ đồng đội, bảo vệ nhân dân của Thiếu tá Nghĩa, đề nghị truy tặng Bằng khen ghi nhận tinh thần tận tuỵ với công việc, xả thân cứu người khác và đã làm các thủ tục xác nhận trường hợp hy sinh của Thiếu tá Trần Duy Nghĩa.

Ngày 13/2/2012, Bộ Công an đã có công văn số 342/BCA-X11, gửi Bộ LĐ-TB&XH, trong đó có đoạn: “Đồng chí Trần Duy Nghĩa bị tai nạn dẫn đến từ trần trong khi đang thi hành nhiệm vụ ở địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn và xảy ra ở thời điểm nhạy cảm (Tết nguyên đán Tân Mão). Vì vậy, Bộ Công an đề nghị vận dụng xét công nhận liệt sĩ đối với đồng chí Trần Duy Nghĩa theo quy định tại khoản 4, điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”. Tuy nhiên, đề nghị trên chưa nhận được sự đồng tình từ phía Bộ LĐ-TB&XH.

Trước nỗi đau khôn cùng của người mẹ mất con, gần đây qua Dân trí, bà Trần Thị Liên, 84 tuổi, thân sinh của Thiếu tá Nghĩa đã gửi bức tâm thư đến Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền. Trong thư có đoạn: “Lúc này, tôi không biết phải làm gì, đành kêu lên Bộ trưởng đèn trời soi xét. Tôi đến nay đã ở độ tuổi gần đất xa trời này cầu xin Bộ trưởng, với tấm lòng của một người mẹ, xin Bộ trưởng hãy có những biện pháp cần thiết giúp tôi tìm lại công bằng cho em Nghĩa, cũng là một việc thiện, việc phúc Bộ trưởng tạo cho cuộc đời này...”.

Ngay lập tức, Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc hộp khẩn để giải quyết vụ việc. Đây là một việc làm đáng trân trọng tuy nhiên, kết quả lại chưa được như mong đợi của đông đảo bạn đọc Dân trí. Thiếu tá Trần Duy Nghĩa vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Trả lời Dân trí, Cục Trưởng Cục người có công (Bộ Lao động TB&XH) Hoàng Công Thái cho biết: “Chúng tôi thấu hiểu nỗi mất mát của gia đình đồng chí Trần Duy Nghĩa, chúng tôi đã xem xét tất cả quy định Nhà nước nhưng nhận thấy không đủ điều kiện công nhận là liệt sĩ”.

Đọc Công văn gửi Dân trí, mình không khỏi thất vọng bởi cách vận dụng Pháp lệnh của Bộ LĐ-TB&XH. Đối với trường hợp cụ thể của Thiếu tá Trần Duy Nghĩa, mục 6 khoản 1 điều 11 qui định: e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

Có thể nói, việc kiên quyết ngăn chặn những kẻ say rượu điên cuồng lao thẳng vào hiện trường cấm, nơi có các chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ và ngưởi dân đứng xem mà không quản hi sinh tính mạng chính là hành động “dũng cảm cứu người” của Thiếu tá Nghĩa. Từ đó, hoàn toàn có cơ sở để công nhận Thiếu tá Nghĩa là liệt sĩ. Thế nhưng tiếc thay, Bộ LĐ-TB&XH chưa vận dụng linh hoạt yếu tố này.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, rất cần những tấm gương anh dũng hi sinh bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và nhất là tai nạn giao thông đang trở thành mối đe dọa khủng khiếp trong toàn xã hội, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng vạn người.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Dân trí, Cục trưởng Hoàng Công Thái cho biết ngay sau chuyến đi công tác về, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền gửi thư đến gia đình Thiếu tá Nghĩa chia sẻ những mất mát đồng thời giải thích theo qui định hiện hành, Thiếu tá Nghĩa không nằm trong diện được công nhận là liệt sĩ.

Trước thông tin này, chắc chắn không chỉ cá nhân mình mà nhiều bạn đọc Dân trí không khỏi thất vọng. Tuy nhiên từ sâu thẳm, mình vẫn hi vọng rằng tiếng nói từ trái tim, sức mạnh của tình người và tấm lòng dũng cảm cuối cùng sẽ vượt qua được đôi nét suy nghĩ còn quá khô cứng từ những quy định của luật pháp, bởi đó chính là sức mạnh nhân văn - nhân ái  truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

 

Bùi Hoàng Tám

 
 
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!