Cũng “may” là chưa công khai tên tuổi!
(Dân trí) - Sau khi Bộ Xây dựng có thông báo và báo chí thông tin thì đến nay các cựu cán bộ đã liên hệ xin trả lại nhà công vụ. Dù có hơi muộn, song đó cũng là việc cần làm, nên làm và phải làm để làm gương.
Sáu năm trước (năm 2014), chuyện nhà đất của gia đình cựu Tổng Thanh Chính phủ Trần Văn Truyền như một “quả bom” gây rung chuyển dư luận về vấn đề tài sản quan chức.
Trong đó, người ta phải lắc đầu ngán ngẩm về việc nguyên cán bộ cấp cao này sau gần 3 năm nghỉ hưu ở tỉnh Bến Tre mới chịu trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho Nhà nước.
Đến cuối năm 2014, trong lúc công chúng đang “sục sôi” về chuyện này thì ông Nguyễn Trần Nam, lúc đó vẫn đang đương chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Nhà ở (sửa đổi) và nói rõ:
“Việc hết thời hạn phải trả lại nhà công vụ không phụ thuộc vào việc anh có nhà hợp pháp hay chưa. Sau 3 tháng phải trả, đó là quy định phối hợp”.
Những tưởng là với quy định đã rõ thì kể từ đó về sau, Bộ Xây dựng cứ y luật mà xử. Hơn nữa, đã có một bài học ê chề bày ra trước mắt như thế, chẳng những “trên nhìn xuống” mà còn cả thiên hạ “người ta trông vào”, thiết nghĩ ai dại gì dẫm vào vết xe đổ, bấu víu nhà công vụ làm gì.
Thế mà thật khó ngờ, qua trao đổi với Dân trí chiều 20/4, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Bộ này vừa phải gửi thông báo tới 12 cựu cán bộ yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đáng nói là thông báo yêu cầu trả nhà công vụ đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 vị cựu quan chức này hết lần này, lần nọ và nôm na là Bộ này đang trầy trật “đòi nhà” cho Nhà nước. Chính vì thế, dư luận một lần nữa lo ngại lại có tình trạng nhà cửa để lâu cũng “… hoá bùn”.
Đến chiều ngày 21/4, trao đổi với báo chí về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sau khi Bộ Xây dựng có thông báo và sau khi báo chí thông tin thì đến nay các cựu cán bộ đã liên hệ xin trả lại nhà công vụ theo quy định. Thiết nghĩ, dù có hơi muộn, song đó cũng là việc cần làm, nên làm và phải làm.
Bởi, Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức, sau khi nghỉ hưu đương nhiên phải trả lại cho nhà nước. Nếu cứ chây ỳ không trả, có khác gì là hành vi chiếm dụng tài sản công? “Của công” chứ có phải “của ông” đâu mà không trả?!
ĐBQH khoá 12,13 - ông Lê Như Tiến, người từng đặt ra khái niệm “tham nhũng nhà công vụ, biệt thự công” mấy năm trước, trong lần phát biểu mới đây trên báo chí có nhấn mạnh: “danh dự con người lớn hơn mấy m2 nhà nhiều”.
Ông Tiến nói một cách chua chát: Nếu ai nghĩ rằng danh dự của mình không bằng mấy chục m2 nhà là việc của họ, còn ai còn danh dự sẽ vui vẻ sẵn sàng trả ngay và “đó mới là con người có lòng tự trọng”.
Do đó, việc trả nhà công vụ sau khi đã miễn nhiệm, đã hết thời gian được hưởng chế độ là việc cần làm ngay, chứ không nên để đến khi bị nhắc nhở, bị sức ép dư luận mới thực hiện.
Tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị của các vị này là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 - 115m2. Các căn hộ công vụ này được Nhà nước trang bị nội thất như: bàn ghế, kệ tivi phòng khách, máy điều hòa nhiệt độ các phòng, bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, đệm, máy giặt, bình nóng lạnh và một bộ bàn ghế làm việc…
Kể ra những trang thiết bị nội thất với diện tích sử dụng như trên nói là tiện nghi thì đúng là cũng tiện nghi thật, nhưng không đến nỗi là “hiếm có khó tìm”.
Thị trường nhà đất hiện nay, nhất là tại những thành phố lớn, nguồn cung nhà ở đang vô số, với đủ mức giá, đến cả như sinh viên mới ra trường ít năm cũng có thể tiếp cận, nay lại còn ế chỏng ế chơ thì do gì không tìm được nhà!
Cũng còn may là danh sách kia Bộ Xây dựng vẫn chỉ nêu tên “viết tắt” chứ đợi đến công khai trên khắp các phương tiện truyền thông thì... Nên, cũng thể coi sự việc lần này là bài học rất tế nhị trong ứng xử với tài sản công, tránh bị hiểu lầm không đáng có.
Bích Diệp