“Công tử Bạc Liêu” ở RPMU
(Dân trí) - Vụ án Trần Quốc Đông và 5 đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sẽ được đưa ra xét xử vào cuối tháng 10, nhưng dư luận đã bàn nhiều đến câu chuyện tham nhũng của cựu lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Vụ tham nhũng này nổi tiếng vì liên quan đến đối tác nước ngoài, đó là Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC). Ba vị lãnh đạo là Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc RPMU, Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng dự án 3 – RPMU, Phạm Quang Duy, nguyên Phó Giám đốc RPMU đã dùng “tài thao lược” của mình để buộc đối tác JTC chuyển cho 11 tỉ đồng để “giải quyết khó khăn”.
Khó khăn đó là, theo cơ quan điều tra, các vị sử dụng số tiền trên để tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, làm ngoài giờ, nghỉ mát… hết 11 tỷ đồng. Bản thân các bị can đều được hưởng lợi riêng từ những khoản chi này.
Xài tiền kiểu đó thì Nhật Bản cũng gọi các vị lãnh đạo RPMU bằng cụ. Đúng là xài tiền như “Công tử Bạc Liêu”.
Không trách gì, khi người dân nghe tới các dự án xây dựng đều sợ tham nhũng đến khiếp vía. Động tới dự án nào cũng có tham nhũng, lãng phí, thất thoát tiền tỉ, dân không sợ sao được. Chỉ đơn cử vụ án trên, các vị bịa ra các thứ để xài 11 tỉ đồng. Dân nào mà chịu cho thấu.
Các vị lấy tiền của đối tác để xài, nhưng xin thưa, họ không dại dột rút tiền túi đưa cho quý vị, mà lấy chính tiền trong hợp đồng để “thối”. Họ dùng kế sách “lấy mỡ nó rán nó”. Rút cuộc cũng rút ra trong gói tiền Việt Nam đi vay và về sau, chính con dân Việt Nam phải trả cho món nợ ăn xài của quý vị.
Đó mới chỉ là một khoản ăn xài và cũng mới ở khâu thiết kế
dự án thôi, nếu như đến khâu đấu thầu triển khai toàn bộ dự án, chẳng biết số tiền “tiếp khách” sẽ lên đến bao nhiêu. Và cũng còn nhiều khoản khác chờ tòa án làm sáng tỏ.
Bao nhiêu công trình, dự án thực hiện, nhà thầu chiêu đãi, đối tác mở tiệc, rồi tham quan nghiên cứu, rồi khởi công động thổ, rồi phong bì phong bao, rồi nghỉ mát du lịch, tất cả đều tính vào trong từng mét đường, cho nên vốn đầu tư đã cao càng cao thêm, chưa kể dự án kéo dài, chậm tiến độ hoàn thành, lại tiếp tục đội vốn. Thật khó kiểm soát các khoản chi phí một khi các bên từ chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát cùng chung mục đích rút ruột công trình. Câu trả lời vì sao một mét đường của Việt Nam phải đầu tư số tiền cao hơn ngoại quốc là chỗ này đây.
Không chỉ một dự án đường sắt, còn bao nhiêu dự án khác khắp cõi nước Nam này, nếu mỗi nơi đều tiêu tiền như bộ sậu RPMU đi nghỉ mát và tiếp khách, hội họp hết 11 tỉ đồng, thì dân chúng còn lầm than, đất nước còn gian nan.
Lê Chân Nhân