Công chức - nghề không có chỗ cho tư tưởng hưởng thụ, an nhàn
(Dân trí) - 19 ứng viên đã tham gia buổi sát hạch để tuyển chọn ra 14 công chức trẻ vào làm việc tại các cục, vụ, tổng cục thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội diễn ra sáng ngày 29/6/2020 tại Hà Nội.
19 người này đã tốt nghiệp các chuyên ngành được đào tạo đạt loại giỏi và xuất sắc tại các trường đại học trong nước và nước ngoài, một số có trình độ thạc sĩ, nhưng tuổi đời đều chỉ dưới 30 tuổi.
Với những tiêu chí đó, những người trẻ này hoàn toàn có thể ứng tuyển và có cơ hội gia nhập vào những tổ chức kinh tế tư nhân với mức lương hấp dẫn. Vậy nhưng họ vẫn mong muốn được chọn làm “công chức”.
Đành là ở vị trí công việc nào nếu hết mình và nghiêm túc thì cũng đều có những đóng góp đáng ghi nhận cho xã hội, song, lựa chọn làm công chức nhà nước, chắc chắn không dành cho những ai hướng đến sự an nhàn và hưởng thụ.
Có thể trước đây, trong suy nghĩ của không ít người, việc vào Nhà nước từng có ý nghĩa “ổn định”, nhưng hiện nay, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực kể từ 1/7/2020 thì “biên chế trọn đời” cũng sẽ bị xoá bỏ, theo đó, cũng sẽ không còn sự “ổn định” theo nghĩa cũ là có chỗ “ấm chân”, “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, an nhàn hưởng lương.
Với những người không có năng lực, “chạy” vào diện công chức, viên chức để nhắm đến mục tiêu hưởng lương “ổn định”, họ sẽ phải suy nghĩ lại.
Tuy nhiên, với những người có khả năng và nhiều cơ hội việc làm (như 19 ứng viên ở trên) thì việc thi, xét tuyển vào làm Nhà nước cũng có nghĩa phải xác định: “cống hiến” là mục tiêu.
Bởi nếu nói về thu nhập, chắc chắn ở thời điểm hiện tại, khu vực Nhà nước sẽ chưa thể so sánh được với khu vực tư nhân, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Tại buổi sát hạch nói trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Các bạn không chỉ có nguyện vọng mà còn có hoài bão của tuổi trẻ, muốn cống hiến nhiều hơn cho đất nước”.
Câu nói của Bộ trưởng Dung, chắc hẳn không chỉ có ý động viên, khen ngợi mà còn hàm chứa sự mong mỏi, hàm chứa cả lời khuyên chân tình của người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH đối với những ứng viên: Thi vào công chức nghĩa là phải có “hoài bão” và có mong muốn được “cống hiến nhiều hơn”.
Ngoài ra, ông cũng dẫn chuyện các bậc hiền tài của nước Việt Nam xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đều có công lớn và tận tâm phục vụ đất nước sau khi được các triều đại trọng dụng, cho rằng đó là những tấm gương để các thế hệ người Việt Nam luôn tự hào, các bạn trẻ cũng nên tiếp nối truyền thống học tập, noi theo để cống hiến nhiều hơn cho đất nước và cho ngành LĐ-TB&XH.
Bản thân người viết cho rằng, nhân tài không thời nào là thiếu, vấn đề là liệu họ có được phát hiện và trọng dụng để phát huy hết tài năng hay không mà thôi.
Nói cách khác: phát hiện nhân tài và phát huy sự cống hiến của nhân tài cần phải là mối quan hệ hai chiều, có lý tưởng của người tài nhưng cũng có sự dày công của người lãnh đạo.
Việc đích thân Bộ trưởng tham dự một buổi sát hạch để tuyển chọn công chức của Bộ phần nào đã nói lên thông điệp về sự quan tâm của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trong tuyển chọn người tài phục vụ đất nước. Thiết nghĩ, điều này cần thể hiện rộng rãi hơn.
Nếu như tất cả các địa phương, các bộ ngành trong cả nước đều coi trọng nhân tài một cách thực chất (chứ không phải trên hình thức, lời nói), chắc chắn rằng sẽ hạn chế được tình trạng “chảy máu chất xám” và đồng thời cũng sẽ không còn chuyện người dân phải ngán ngẩm với tệ tuyển dụng “4 C”, “5 ệ” như thời gian qua.
Bích Diệp