Coi thường dân, dân không “mù”, dân không tin, chống tham nhũng, chống… lưng!
(Dân trí) - Khổ nỗi, từ “chống” trong tiếng Việt có thể hiểu là “chống lại”, “không cho phép” nhưng cũng có nghĩa là… chống đỡ, chống cho khỏi đổ! Thế mới có chuyện hiểu đa nghĩa, người này thì hiểu chống tham nhũng là “chống lại”, người khác thì lại hiểu là… chống lưng cho tham nhũng!
Đó là những cụm từ được nhắc đến trong phiên họp toàn thể thứ 7, thẩm tra báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ tại UB Tư pháp của Quốc hội, diễn ra chiều 5/9 và sáng 6/9.
Trong đó, “coi thường dân”, “dân không mù” là những cụm từ chỉ lời giải thích về những khu biệt thự khủng đã từng xôn xao dư luận nhiều ngày qua của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và Giám đốc sở TNMT tỉnh Yên Bái Phạm Sĩ Quý.
Tại phiên họp nói trên, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề về tính chân thực của những con số kê khai, xác minh về tài sản thu nhập của cán bộ vì cử tri nói, cứ ở nơi nào có biệt phủ của quan chức, cán bộ có vấn đề, thì thường đó là những tỉnh nghèo, phải viện trợ ngân sách.
Song, hài hước là cứ khi có dư luận thì những cán bộ nơi đó lại giải thích tài sản họ có được là từ bán chổi đót, đi buôn gà, như là một sự khinh nhờn pháp luật, coi thường dư luận, nhân dân, coi thường Đảng, Nhà nước.
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TPHCM) cũng không đồng tình cách lý giải “nhiều tiền là nhờ bán chổi, nuôi heo”. Theo ông Sáu, những cán bộ đó đang coi thường tổ chức, coi thường dư luận… và chỉ như vậy cũng không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên nữa.
“Có những cán bộ lúc làm hồ sơ xin cấp đất thì trình bày là khó khăn về chỗ ở, đến khi phát hiện tài sản khủng thì trả lời là do mẹ nuôi, em nuôi tặng. Dư luận đâu có mù mà tin vào những giải thích như vậy”. Ông Sáu nói.
Vâng, cảm ơn ĐB Sơn, ĐB Sáu, dân chúng tôi đúng là không mù nhưng các vị đó lại nghĩ chúng tôi mù và họ lại mang chứng… điếc. Vì thế, họ cũng chả biết và cũng chả cần biết dân chúng tôi nghĩ gì, nói gì mới phát ngôn như vậy. Thế mới “đau” cho dân chứ lại!
Vì thế, đúng như ĐB Sáu nói, họ “không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên” nên cho họ nghỉ và chắc chắn khi đó, họ sẽ không thấy dân chúng tôi… “mù” nữa.
Về cụm từ “dân sao tin được”, “chống tham nhũng”, “chống lưng”, tác giả là Ủy viên UB Tư pháp Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam. ĐB Kim cho rằng công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hình thức, chưa đạt yêu cầu.
“Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản mà có 3 người không trung thực, dân tin sao được, chúng ta làm hời hợt, qua loa quá. Có 25 người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng xảy ra tại cơ quan đơn vị. Con số này cũng không ai tin được, né tránh quá nhiều” – ông Kim nói.
Cũng theo ông Kim, ở Trung ương, Tổng bí thư đang chỉ đạo rất quyết liệt việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên. hiện nay có quá nhiều cơ quan làm nhiệm vụ PCTN nhưng hiệu quả không rõ ràng, nhiều vụ giải quyết nhiều năm không xong, chưa thiết lập được mô hình cơ quan chống tham nhũng độc lập.
“Cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả”. Ông Kim nói.
Những điều ĐB Kim nói là rất nguy. Nhưng khổ nỗi, từ “chống” trong tiếng Việt có thể hiểu là “chống lại”, “không cho phép” nhưng cũng có nghĩa là… chống đỡ, chống cho khỏi đổ!
Thế mới có chuyện hiểu đa nghĩa, người này thì hiểu chống tham nhũng là “chống lại”, người khác thì lại hiểu là… chống lưng cho tham nhũng!
Nghiêm túc là những ngày gần đây, công cuộc chống tham nhũng đang rất nóng bỏng và hiệu quả cao, “lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”, nhân dân tin tưởng.
Song, cũng nên lưu ý với lời cảnh báo của ĐB Vũ Trọng Kim:“Lò nóng rồi mà không đưa củi vào thì lò sẽ tắt”.
Bùi Hoàng Tám