Có nên cho các em tiếp tục đến trường vào ngày 17.2 tới?
(Dân trí) - Không ai có thể khẳng định hạn chế hoàn toàn rủi ro, song cũng xin được một lần nữa nhắc lại, cuộc sống nhiều khi không cho chúng ta quyền lựa chọn cái tốt nhất mà chỉ được chọn cái ít xấu hơn.
Hiện, đang có hai luồng ý kiến trái chiều và theo báo Dân trí, tính đến 19h30 ngày 14/2, đã có 44 tỉnh/ thành phố báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 Bộ GD&ĐT về việc cho học sinh trở lại trường học từ ngày 17/2. Các tỉnh còn lại hoặc không, hoặc đang “nghe ngóng”.
Do quá nhiều thông tin cùng với những lý lẽ “không dễ bắt bẻ” từ hai phía, người viết bài này xin nêu quan điểm của cá nhân mình.
Biết rằng dịch Covid - 19 rất nghiêm trọng, song với Việt Nam ta hiện tại, có thể do môi trường không thuận lợi cùng với công tác phòng chống, ngăn chặn hiệu quả, tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, đến 15g ngày 14.2, cả nước mới phát hiện 16 ca nhiễm bệnh, 7 ca đã được chữa khỏi, các ca lây nhiễm hiện sức khỏe tiến triển tốt và chủ yếu nằm ở một địa phương (cụ thể là một xã), 02 ngày qua chưa có ca mắc thêm… Không chủ quan, song đó là những tín hiệu khá lạc quan.
Do dịch bệnh luôn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, không biết thời điểm kết thúc, song, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Do đó, cách tốt nhất có lẽ là vừa khống chế tối đa, vừa phải sống chung bởi cuộc sống không thể ngừng lại và chúng ta không có cách lựa chọn nào khác mà cần phải thích ứng trên tinh thần hạn chế thấp nhất rủi ro.
Cụ thể, đối với việc có nên để học sinh tiếp tục đi học hay không vào ngày 17.2 tới, theo người viết bài này nên chia theo khu vực. Tại các địa phương thuộc tâm dịch và lân cận, có thể cho học sinh nghỉ tiếp 1-2 tuần. Đối với các địa phương khác từ cấp trung học trở lên, nên để các em tiếp tục đến trường bởi kỳ nghỉ tết cộng với nghỉ vì dịch bệnh thời gian đã kéo dài quá lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của các cháu.
Riêng với học sinh trung học cơ sở, tiểu học và mầm non, nên cho các em nghỉ tiếp ít nhất là 01 tuần.
Lý do, theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì có hai yếu tố quan trọng nhất để phòng dịch là rửa tay liên tục và che miệng mũi khi ho, hắt hơi. Điều này đối với học sinh mầm non và tiểu học là không thể làm nổi, kể cả học sinh trung học cơ sở.
Việc giáo viên liên tục phải để ý và trông xem có học sinh nào nghịch bẩn không, rửa tay thế nào… trong thời gian, không gian có hạn, học sinh lại đông là điều không khả thi. Thứ nữa, sẽ rất không an toàn bởi với môi trường bán trú của học sinh mầm non và học sinh tiểu học khi ăn chung, học chung, ngủ chung…
Rồi các em đến trường, ngoài học tập còn là môi trường vui chơi, đùa nghịch. Việc đeo khẩu trang không thể phát huy tác dụng vì các em không đủ kiên nhẫn để đeo suốt cả ngày.
Trong khi vào giờ ra chơi, các em bất chấp tất cả để thỏa thuê nghịch. Rồi mỗi lớp có 40-50 học sinh, cả trường có 1000-2000 học sinh thì rửa tay thế nào? Lấy cồn khô đâu để rửa, rửa xong thì hết thời gian học.
Tóm lại, theo người viết bài này, đối với các địa phương đang có dịch và các cấp trung học cơ sở, tiểu học, mầm non cần cho các em nghỉ thêm. Với các địa phương còn lại, học sinh trung học và sinh viên nên tiếp tục đến trường vào ngày 17.2 tới.
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xem xét tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 02/2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo “Nếu chưa làm được cho phụ huynh và học sinh yên tâm thì chưa cho đi học trở lại ngay. Đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thật sự an toàn”.
Không ai có thể khẳng định hạn chế hoàn toàn rủi ro, song cũng xin được một lần nữa nhắc lại, cuộc sống nhiều khi không cho chúng ta quyền lựa chọn cái tốt nhất mà chỉ được chọn cái ít xấu hơn.
Bùi Hoàng Tám