Cơ hội cuối cùng và hành trình không có đường lùi của nhân loại
(Dân trí) - COP26 có thể coi là cơ hội cuối cùng, để các quốc gia trên thế giới quyết định có cùng chung tay và nỗ lực hết sức để cứu thế giới, hay chứng kiến con tàu nhân loại đi đến thảm họa không thể vãn hồi.
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu - COP26 vừa diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson- đại diện cho nước chủ nhà đã nói: "Nếu COP26 thất bại, nền văn minh nhân loại sẽ sụp đổ như đế chế La Mã". Trước đó, Thủ tướng Anh đã gọi điện đến nhiều nước để thuyết phục họ đồng ý với mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Còn Mỹ đã cử đặc sứ đi từng nước chưa tham gia cam kết Net Zero và thuyết phục họ cam kết cùng nước Mỹ. Nhưng không phải ở đâu, Mỹ và nước chủ nhà cũng thành công.
Cuối cùng, có hai nguyên thủ quan trọng bậc nhất với chủ đề Biến đổi khí hậu là Trung Quốc và Nga đã không trực tiếp dự COP26 mà chỉ cử phái đoàn tham dự. Trung Quốc là nước phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới hiện nay (chiếm 29% lượng CO2 toàn cầu), còn Nga đứng ở vị trí thứ năm. Cả hai nước này chỉ cam kết Net Zero vào năm 2060 - chậm 10 năm so với mong muốn của Hội nghị. Riêng Ấn Độ - quốc gia đứng thứ 4 về phát thải khí CO2 chỉ đồng ý cam kết Net Zero vào năm 2070. Kể câu chuyện này, để thấy những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đã hiểu tầm quan trọng sống còn của COP26 lần này.
Tôi gọi COP26 (Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu) là The moment of truth (thời điểm mà nhân loại không thể không đối mặt với sự thật) rằng đây là cơ hội cuối cùng mà chúng ta có để cứu lấy vận mệnh của nhân loại, nếu không muốn để mọi thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Nếu như cách đây 10 năm, 20 năm, người ta vẫn còn có những nghi ngờ khác nhau về tác động của Biến đội khí hậu lên đời sống nhân loại, thì những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan (gồm nắng nóng mạnh và lũ lụt nghiêm trọng đã trở thành hiện tượng bình thường mới). Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới được công bố vào đúng ngày khai mạc COP26 31/10 cho biết từ năm 2015 đến giờ, thế giới đã trải qua 7 năm liên tiếp nóng nhất trong lịch sử.
Khi đến COP26, Thủ tướng Mia Mottley của Barbados mang trong mình nỗi lo của các nước đảo quốc - những quốc gia nhỏ bé, đóng góp rất ít vào phát thải khí CO2 nhưng lại là những nước đầu tiên chịu hậu quả thảm khốc nhất nếu như thế giới thất bại trong mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5oC so với thời kỳ Tiền công nghiệp. Barbados, Fizi, Maldives và hàng loạt các đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương có thể sẽ biến mất bất cứ lúc nào.
Nguy cơ mất cả một quốc gia, mất cả một dân tộc đã hiện hữu khi trái đất đang nóng lên rõ ràng, băng tan, thiên tai, lũ lụt, hạn hán ở mức thảm họa đang ngày càng nhiều trong những năm qua. Nếu không muốn nói xa xôi đến Barbados hay Maldives, thì hãy nói đến Việt Nam. Nếu nước biển dâng lên 1 m nữa, thì chúng ta sẽ mất hoàn toàn ĐBSCL.
Người ta ước tính nền nhiệt độ trung bình của trái đất hiện nay tăng 1,1oC so với thời Tiền công nghiệp mà loài người đã chứng kiến vô vàn những thảm họa thiên nhiên trong những năm qua. Nếu không thể thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5oC và để mức tăng vượt quá 2oC, thì khi đó, lo ngại của Thủ tướng Boris Johnson hoàn toàn có thể thành sự thật: Thế giới sẽ phải đối mặt với thảm họa, địa chính trị thay đổi, và có thể, nền văn minh nhân loại sẽ sụp đổ. Mà mức cam kết giảm phát thải của các quốc gia hiện tại chỉ đáp ứng được 50% cam kết cần có để thực hiện mục tiêu này. Dựa trên cam kết này, thì sau 2050, nhiệt độ trung bình trên thế giới có thể tăng đến mức 2,7oC.
Cho nên thời gian để nhân loại cứu thế giới không còn nhiều nữa!
COP26 lần này diễn ra giữa đại dịch covid toàn cầu. Nhưng 130 nhà lãnh đạo thế giới đã đến Glasgow, chưa kể hàng nghìn học giả, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội đến từ các quốc gia khác nhau. Trừ cấp Bộ trưởng trở lên, thì những người còn lại phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới được vào dự Hội nghị. Nhưng họ vẫn có mặt, và sự có mặt ấy biểu thị tính cấp bách phải xử lý vấn đề Biến đổi khí hậu để tránh một cuộc khủng hoảng gần ngay trước mắt.
Tôi nhớ năm 2017, tôi vẫn là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ vào thời điểm Tổng thống Donald Trump vừa lên nắm quyền. Một trong những việc đầu tiên chính quyền Tổng thống Trump làm là tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu. COP26 tổ chức muộn một năm vì lý do dịch bệnh có lẽ là điều may mắn, vì nước Mỹ - dưới thời Tổng thống Joe Biden đã quay trở lại, tái cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong việc cùng đồng hành với các quốc gia trên thế giới để giải quyết vấn đề Biến đổi khí hậu. Mỹ đã coi Biến đổi khí hậu là một trong 4 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt. Nếu như không có sự tham gia của nước Mỹ - cường quốc số 1 thế giới và cũng là quốc gia đóng vai trò chủ xướng, thì COP26 hầu như không có cơ hội thành công.
Tôi cho là có 3 điều COP26 cần đạt được, đó là sự đồng hành, sự cam kết và niềm tin giữa các quốc gia. Cho đến thời điểm này, các nước phát triển - những nước tiến hành cách mạng công nghiệp từ cách đây 300 năm là những nước đã tạo ra lượng phát thải khí CO2 nhiều nhất, tác động lớn nhất đến vấn đề Biến đổi khí hậu. Nhưng nếu so đo ai đổ rác nhiều nhất thì người đó phải có trách nhiệm dọn dẹp thì sẽ không có kết quả nào tốt đẹp cho COP26 cả. Các quốc gia đến COP26 đều đã đồng thuận ở việc không tranh cãi, tính toán với quá khứ, để cùng chung tay xử lý vấn đề chung của nhân loại, với các mức gánh vác khác nhau.
Cho đến giờ, các nước phát triển là nơi sản sinh ra phần lớn phát thải khí của nhân loại, nhưng trong tương lai, với nhu cầu phát triển kinh tế, cán cân này sẽ chuyển sang các nước đang phát triển, nơi được dự báo sẽ chiếm tới 80% lượng phát thải khí toàn cầu. Nên mục tiêu ứng phó với Biến đổi khí hậu sẽ không thể thành công nếu thiếu sự cam kết từ các nước đang phát triển.
Tuy đã đi đến thống nhất sẽ không tranh cãi về quá khứ, nhưng vẫn phải thừa nhận một điều, việc các nước đang phát triển ký vào cam kết Net Zero đồng nghĩa với việc họ sẽ phải hy sinh việc phát triển kinh tế của đất nước mình cho lợi ích chung toàn cầu. Nhưng để tạo dựng niềm tin và có được sự cam kết từ các nước nghèo, thì các nước phát triển - vốn là những quốc gia được hưởng lợi từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp - không những phải hành động nhiều hơn, có trách nhiệm nhiều hơn, mà còn phải thực hiện đúng các cam kết hỗ trợ về tài chính để giúp các nước nghèo chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, năng lượng xanh.
Hành trình này đòi hỏi sự hy sinh của các nước nghèo và sự hỗ trợ nghiêm túc của các nước giàu, thì mới đồng hành với nhau được cho mục tiêu hết sức khó khăn này.
Năm 2009, các nước G20 đã cam kết dành 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển cho các vấn đề Biến đổi khí hậu kể từ năm 2020. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, số tiền các nước này chi ra mới ở mức 80 tỷ USD. Nếu ở COP26, nhóm các nước G20 không tái cam kết mạnh mẽ và nghiêm túc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển thì mục tiêu ứng phó với Biến đổi khí hậu có thể sẽ không thực hiện được.
Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng nói: "Không giống như các đường phố New York, các Hiệp định quốc tế bao giờ cũng cần có hai chiều". Trong vấn đề biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đều đang cùng chung một con tàu. Nếu con tàu đắm, sẽ chẳng ai có cơ hội sống sót. Đây sẽ là con đường chỉ có thể tiến lên, chứ không có quyền lùi bước của mọi quốc gia. Nhưng chỉ khi thực sự cùng đồng hành, cùng cam kết và tạo ra niềm tin vững chắc, thì mới có thể huy động sức mạnh tối đa để bảo vệ con tàu này.