Chuyện thường thôi mà, sao lại là “chuyện lạ”?!
(Dân trí) - “Không đáp ứng được yêu cầu công việc, Chủ tịch phường viết đơn xin nghỉ” - một tiêu đề trên báo Dân trí ngày 29/5 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Cụ thể, do tự thấy bản thân không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công việc, ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã viết đơn xin nghỉ việc.
Kể ra thì cũng thật khó hiểu?! Tự thấy không đáp ứng được yêu cầu công việc thì xin nghỉ việc, đó là điều rất bình thường, vì sao lại được chú ý như vậy?
Vấn đề nằm ở chức vụ “Chủ tịch phường”!
Trong thực tế, việc xin nghỉ việc, thôi chức tại các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân không có gì là lạ. Lý do, có thể là trong quá trình làm việc, người lao động cảm thấy không đủ tư chất, nhiệm vụ không phù hợp với năng lực, bản thân không đáp ứng được yêu cầu công việc và/hoặc ngược lại, cảm thấy vị trí công việc không như mong muốn, kỳ vọng của bản thân…
Thế nhưng, việc xin từ chức, xin nghỉ việc vì “không đáp ứng được yêu cầu công việc” trong hệ thống quản lý hành chính, trong các cơ quan, đơn vị công lại rất hiếm khi xảy ra.
Một phần có lẽ vì… sĩ diện. Có thể thấy, hiếm vị cán bộ nào “lấy đá ghè chân mình”, tự nhận bản thân là “không đủ năng lực”.
Một phần nữa còn là vấn đề lợi ích. Không hề nói quá khi cho rằng, vẫn có một bộ phận phấn đấu làm công chức Nhà nước, phấn đấu có chức vụ hoàn toàn không nhằm mục đích cống hiến mà chỉ để “lợi dụng chức vụ”.
Nhiều cán bộ, công chức dù không đủ năng lực nhưng vẫn “phấn đấu” để thăng chức, để đảm nhiệm các vị trí quan trọng, để được trọng vọng trong xã hội. Thói thường, “một người làm quan, cả họ được nhờ”, nên với tình trạng “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ…” như hiện nay, chuyện lôi kéo vây cánh rồi “bổ nhiệm nhầm” trở thành một vòng luẩn quẩn.
Thế nên, thông thường, các cán bộ dù không đủ năng lực, không phù hợp với vị trí được bổ nhiệm, họ vẫn “im lặng”, “nín thở” chờ qua nhiệm kỳ. Tình trạng cán bộ tự biến mình thành bù nhìn, mù quáng nghe theo đội ngũ tham mưu, duyệt bừa, ký bừa… không phải là hiếm.
Thậm chí, nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp không đủ năng lực nhưng chỉ bị “lộ” khi để xảy ra sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước. Còn khi chưa bị lộ về năng lực, phẩm chất yếu kém thì các nhân sự này thậm chí vẫn “trèo cao, chui sâu” lên những vị trí, chức vụ quan trọng hơn.
Trường hợp Trịnh Xuân Thanh của nhiều năm trước là một ví dụ điển hình. Ông này từng là Phó tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - một đơn vị có tiếng trong mảng xây dựng, xây lắp của ngành dầu khí. Thế nhưng, sau nhiệm kỳ của Trịnh Xuân Thanh, PVC thua lỗ trầm trọng lên tới trên 3.200 tỷ đồng, loay hoay suốt 7 năm không thoát khỏi “vũng lầy” mà từ thời Trịnh Xuân Thanh để lại.
Có câu “đức cao vọng trọng”, người có chức vụ, có vị trí cao trong xã hội, ngoài có tài cán phải có đức hạnh, phẩm chất tốt. Nếu đức mỏng mà giữ vị trí quan trọng ắt sẽ để lại hậu quả.
Việc ông Nguyễn Ngọc Quang từ chức Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho thấy một thái độ rất tự trọng và cũng rất trách nhiệm của ông Quang với chức vụ được giao. Đồng thời, đó cũng là thái độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng tổ chức.
Không có gì đáng xấu hổ khi tự thấy năng lực còn giới hạn hay tự thấy bản thân không phù hợp với vị trí, chức vụ được bổ nhiệm. Chỉ đáng xấu hổ và đáng trách khi không đủ phẩm chất mà vẫn cố “trèo cao, chui sâu” mà thôi!
Có điều, mấy người hành động được như ông Quang? Do vậy, khâu tuyển chọn nhân sự, tạo nguồn và bổ nhiệm cán bộ vẫn là quan trọng và cần thận trọng! Khi thấy bổ nhiệm sai, thì phải sửa sai: Có bầu, có bãi; có tuyển dụng và có sa thải.
Bích Diệp