Chuyện họ nhà cò

(Dân trí) - Điều lạ là những người tham mưu cho quyết định này không đưa ra được những căn cứ thực tế cũng như cơ sở pháp lý, khoa học cụ thể… Đã qua rồi cái thời “ý quan là ý trời, miễn bàn, miễn thương lượng”, người dân không được quyền tham gia góp ý.

Chuyện họ nhà cò - 1
 
(Minh họa: Ngoc Diệp)
 
Chuyện kể rằng, ở tỉnh nọ vốn được xem là vựa lúa của cả nước khi đất ở đây rất màu mỡ do phù sa bồi đắp quanh năm. Những cánh đồng lúa trĩu nặng, trải dài tít tắp. Rồi một ngày, để tăng thêm nguồn thu, tỉnh mở thêm dịch vụ du lịch “dạo cánh đồng ngắm đàn cò bay”. Thôi thì khách Tây, khách ta cứ nườm nượp kéo đến tham quan, chụp ảnh. Quanh năm nhìn dưới đất chỉ thấy ô tô với xe máy, ngước lên bầu trời, “máy bay nhiều hơn chim chóc” nên ai cũng thích mắt với đàn cò chao lượn trên cánh đồng. Cò ở đây nhiều lắm, cò trắng, cò đen, cò vàng, cò xám tha hồ bay lên lượn xuống mà không bị một ai đuổi bắt.
 
Bỗng một hôm, họ nhà cò nhận được thông báo: “Chỉ có cò trắng mới được mò ốc, bắt cua trên cánh đồng, riêng cò đen, cò vàng, cò xám nếu không “sơn trắng” thì không được cấp giấy phép hoạt động nữa”. Chỉ thị mới khiến họ nhà cò được phen xôn xao, lo lắng. Đám “cò không trắng” cử người đi dò hỏi nguyên cớ vì sao, mới hay vì cái màu đen, màu vàng, màu xám làm “cánh đồng du lịch” mất thẩm mỹ, nhất là khi cò đen đứng trên lưng trâu tạo ra màu xám xịt, u tối, khiến khách du lịch… thấy buồn(?!)
 
Chuyện tôi vừa kể với các bạn tưởng là chuyện bịa, nhưng hóa ra lại là chuyện “thật như đùa”, khi mới đây Vịnh Hạ Long yêu cầu tất cả tàu du lịch hoạt động trên Vịnh phải sơn trắng thân tàu, nếu không sẽ không được cấp giấy phép kinh doanh. Theo đó, sẽ phải có hơn 500 tàu phải “khoác đồng phục trắng” để tăng tính thẩm mỹ, bớt tạo lo lắng cho du khách về sự không an toàn khi thân tàu màu đen, trông cũ kỹ, ảm đạm. Quy định này cũng yêu cầu thời hạn chót thực hiện là 30/04/12, nghĩa là chỉ có khoảng hơn 3 tháng thực hiện.
 
Theo ông Bùi Cao Sơn, Giám đốc Công ty Du thuyền Hạ Long, Phó Chủ tịch Chi hội Du thuyền Hạ Long, với 350 tàu nhỏ khi sơn sẽ mất hơn 14 tỉ đồng và 3.500 ngày lên đà để sơn tàu; còn 150 tàu lớn ước tính sẽ mất khoảng 15-30 tỉ đồng và 3.000 ngày lên đà. So sánh quyết định này với quyết định tăng giá vé tham quan Vịnh Ha Long với mục đích tăng nguồn thu để có kinh phí tiến hành nâng cao chất lượng dịch vụ tham quan, cải tạo, bảo vệ môi trường cảnh quan thì thấy “đá nhau chan chát”, khi quyết định mới này như một việc “vung tiền qua cửa sổ” để làm cho cái bình trở nên mới, dù rượu vẫn cũ.
 
Điều lấy làm lạ là những người tham mưu cho việc ban hành quyết định này không đưa ra được những căn cứ thực tế cũng như cơ sở pháp lý, khoa học cụ thể. Với bất kỳ một quyết định có ảnh hưởng đến một bộ phận lớn người dân, có tác động đến một tập thể (ở đây là của những doanh nghiệp kinh doanh tàu thuyền trên Vịnh Ha Long) luôn cần phải được bàn bạc, thăm dò khảo sát ý kiến của các nhà chuyên môn và ý kiến nhân dân. Đã qua rồi cái thời “ý quan trên là ý trời, miễn bàn, miễn thương lượng”, người dân không có quyền được tham gia, góp ý.
 
Nếu được hỏi ý kiến, bạn có đồng ý với quyết định này không ?

Thế Nam