Chúng ta đang ôm điện thoại nhiều hơn nhìn vào mắt nhau!

(Dân trí) - Một chiều cuối tuần, khi bọn trẻ đang chúi mũi vào điện thoại quay Tik tok, ông xã thì lướt facebook chán lại chat bàn chiến thuật đá bóng với mấy tay hàng xóm, tôi uể oải ra bếp nấu ăn sau khi đã xem tầm chục cái clip hài nhảm nhí, lượn đủ chợ online hóng dân tình mua bán đồ mỹ phẩm, thời trang.

Chúng ta đang ôm điện thoại nhiều hơn nhìn vào mắt nhau! - 1

Món tôi làm tối nay là phở. Trong một khoảng thời gian không ngắn nơi xó bếp, tôi thấy mình chỉ có một mình, từ lúi húi rửa rau thái hành, đến xắt thịt, bày biện một bát phở thật ngon, thật đẹp mắt rồi... chụp ảnh, phải nói thật, luôn chỉ có một mình.

Quăng xong tấm ảnh vừa chụp rất ăn ý lên facebook cùng dòng viết: “Món ngon cho người mình yêu thương, mời cả nhà nhé!”, tôi quay ra nhăn mặt khó chịu với mấy bố con. Vẫn đang mỗi người một việc cùng điện thoại!

Đó là cảnh khá quen thuộc mỗi chiều cuối tuần ở nhà tôi, và có thể ở cả gia đình bạn.

Lại nhớ, cách đây nhiều năm, trong các gia đình Việt cũng duy trì những thói quen, nhưng không thói quen sinh hoạt nào trong số đó lại dễ khiến người ta mang cảm giác cô độc ngay giữa những người thân như bây giờ.

Thời thơ ấu của tôi, cuối tuần nào cũng là ngày tôi mong đợi. Vì cả nhà sẽ cùng nhau sang thăm ông bà, các dì các cậu, chúng tôi được chơi vui với đám anh em họ từ sáng đến tối.

Thời ấy, trẻ con biết sáng tạo nhiều trò để chơi, từ khắc gỗ, pha mực làm “con in” đến bổ quay, bắn bi, chơi chuyền... Không như bây giờ, nhiều đứa trẻ được bố mẹ mua cho điện thoại riêng vì sợ chúng ở nhà buồn, “không có gì chơi cả”.

Mong muốn của những ông bố bà mẹ bận rộn là con của họ được vui, nhưng thật ra trẻ con bây giờ buồn phiền lắm. Chúng không có nhiều bạn, không được thường xuyên vận động, càng ít cơ hội hòa mình giữa thiên nhiên và cỏ cây.

Mạng xã hội đang ngập tràn những hình ảnh gia đình hạnh phúc, gia đình du lịch, check in nhà hàng sang chảnh, nhưng bạn hãy khoan nghĩ ngợi “ước gì...”. Nhiều khi, đó chỉ là những hình ảnh phản ánh thói quen xấu xí đang tồn tại trong các gia đình trẻ: Chụp ảnh sống ảo mọi nơi mọi lúc.

Du lịch không còn là thời gian nghỉ ngơi thư giãn lý tưởng cho gia đình. Tận hưởng sao được khi phải chuẩn bị vài vali áo quần, kính, mũ, giày dép phụ kiện mang theo chụp ảnh. Vào nhà hàng, món ăn hấp dẫn vừa đưa lên bàn cũng khoan động đũa, phải chụp ảnh!

Ngay cả việc chụp đi chụp lại, chụp làm sao cho ra một tấm hình đẹp cũng là vấn đề khiến các thành viên trong gia đình trở nên cắm cảu, khó chịu với nhau. Những hình ảnh rạng rỡ trên facebook nào có nghĩa gì nếu để có nó, hậu trường là một mớ hỗn độn cảm xúc thật khó coi.

Theo PGS. TS Xã hội học Đỗ Thị Vân Anh, trưởng khoa Công tác xã hội, ĐH Công đoàn: “Thói quen sống ảo đi ngược lại với truyền thống văn hóa người Việt Nam. Lật lại thời xa xưa, hình ảnh gia đình quây quần đoàn tụ, chăm lo thăm hỏi nhau đã trở thành xa xỉ với những con người trong xã hội hiện đại, khi mà công nghệ truyền tải gián tiếp đã thay thế tối đa cho giao tiếp trực tiếp. Điều này thật sự nguy hiểm vì khi chìm đắm trong lối sống ảo, các bạn sẽ ưu tiên vào việc giết thời gian bởi những ảo ảnh trên mạng xã hội”.

Hãy nhớ, dù bạn làm “truyền thông hình ảnh” tốt đến mấy trên mạng xã hội, trước mắt người ngoài, thì cuộc sống thật bên người nhà mới là cái bạn đang phải gắn bó mỗi ngày, là cái thực hiện hữu, trực tiếp tác động đến cuộc sống của bạn, mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh, thất bại hay thành công.

Đừng bỏ quên gia đình cả năm rồi gượng ép khoác lên nó chiếc áo mới long lanh lạ lẫm vào ngày 28/6, chỉ để nhắc nhau “hôm nay là ngày của gia đình”. Đừng tươi cười đóng bộ chụp ảnh quăng facebook, viết tút diễn sâu rồi ngay sau đó lại quay ngoắt mỗi người ra một góc.

Như mọi mối quan hệ, tình cảm gia đình dù là giữa những người ruột thịt vẫn cần được vun đắp mỗi ngày.

Hãy nghĩ đến ông bà của tụi nhỏ. Lần gần nhất bạn về thăm họ là khi nào? Có phải rất lâu rồi bạn chỉ nắm được tình hình các cụ qua những cuộc gọi hỏi han rất vội?

Huyền Trang