“Chúc mừng năm mới”

(Dân trí) - “Chúc mừng năm mới” là câu ngữ không hợp lý. Đó là kết luận của một bài viết tôi đọc cách đây không lâu.

 
Bài viết chi tiết và sắc sảo. Để tôi tóm tắt lại nội dung: “Chúc mừng năm mới” nếu là câu dịch từ tiếng Anh thì dịch sai, nên dịch là “Năm mới hạnh phúc”. Còn nếu là sự sáng tác riêng thì không đúng ngữ pháp tiếng Việt. Theo bài phân tích, “Chúc mừng” là cụm từ dùng để bày tỏ sự vui mừng với một người, một nhóm người vì một điều đã qua, đã được thực hiện.

“Chúc mừng dự án đã thành công.”

“Chúc mừng anh Joe đã lấy vợ kịp thời.”

Câu “Chúc mừng năm mới” sai ngữ pháp vì thiếu chủ ngữ hợp lý. Năm mới không phải con người. Nói “Chúc mừng anh” thì được; tuy nhiên nói chúc mừng một điều trừu tượng thì phải nói thêm. Chúc mừng dự án đã thành công. Chúc mừng đội tuyển Việt Nam đã vô địch.

Đọc xong tôi muốn nhảy lên như trẻ con. Từ cách đây rất lâu tôi nghĩ câu đó không hợp lý nhưng tôi không dám nói vì tiếng Việt không phải tiếng mẹ đẻ. Thay vì nhảy lên (béo thế này không nhảy được đâu) tôi nghĩ tiếp. Thỉnh thoảng có câu chúc nhìn qua thấy không đúng ngữ pháp nhưng nhìn kỹ lại thấy đúng, chỉ có điều người ta bớt từ cho gọn; nói hẳn ra sẽ rất chuẩn ngữ pháp, hợp lý.

Ví dụ, người Pháp nói “bonne année”, tức “năm tốt đẹp”. Nói hẳn ra thì phải “Chúc bạn một năm mới tốt đẹp.” Với người Pháp,4 từ “chúc, bạn, một, mới” là không cần thiết phải nói. Rõ ràng đó là lời chúc. Rõ ràng lời chúc đó dành cho người ấy. Rõ ràng năm đó là năm mới (và chỉ có một). Bonne Année là đủ thông tin nổi để người ta biết được thông tin chìm.

Có phải “Chúc mừng năm mới” là câu ngữ như vậy không? Chỉ thiếu từ mà không sai ngữ pháp? Tôi nghĩ không. Nếu người ta cố tình bỏ bớt từ cho gọn thì lý thuyết là những từ bị bỏ bớt ấy sẽ rất dễ đoán.   
 
“Chúc mừng năm mới”  - 1


Chúc mừng bạn đã không chết để có thể đón nhận một năm mới

Chúc mừng năm cũ đã qua thành công để năm mới sẽ đến.

Chúc mừng tình cảm tốt đẹp của chúng tôi trong dịp năm mới sắp đến

Nếu có từ bị bỏ bớt thì tôi không đoán được đó là những từ gì. Tiếng Anh và tiếng Pháp thì có. Chúc bạn một année mới rất bonne. Chúc bạn một New Year rất Happy. Chủ ngữ rõ ràng, hành động dễ thấy, tính từ hợp lý.

Khi nghiên cứu trên mạng tôi phát hiện vấn đề này được nhiều người để ý. Hóa ra là vấn đề năm cũ. Có hẳn một cộng đồng người Việt muốn bỏ “Chúc mừng năm mới” ra khỏi tiếng Việt, thay bằng câu chúc “hợp lý” hơn. Họ lấy ví dụ từ nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Trung “Chúc mừng năm mới” là “Xīn nián kuài lè” – “Xīn nián” là năm mới, “kuài lè” là “hạnh phúc”. Năm mới hạnh phúc.

Nhiều người cho rằng “Chúc mừng năm mới” đơn giản là dịch sai từ tiếng nước ngoài nào đó. Theo họ, trước đây người Việt không nói “Chúc mừng năm mới” mà chúc câu cụ thể từng người một - chúc bà luôn mạnh khỏe, chúc anh nhiều may mắn. Rồi xã hội phát triển đồng thời Việt Nam hội nhập với thế giới, người Việt bắt đầu cần một câu chúc thông dụng hơn. Người ta cần, người ta tìm, người ta thấy, người ta dịch, người ta dùng.

Suy nghĩ về vấn đề này tôi nhớ đến bài hát “As long as you loved me” của The Backstreet Boys dịch sang tiếng Việt là “Yêu em dài lâu” (Lam Trường hát). Chắc các bạn biết đó là dịch sai. “As long as” có nghĩa là “miễn là”, không liên quan thời gian. Người ta hiểu nhầm, dịch sai. Sai thành quen, quen thành đúng. Đó là sự phát triển ngôn ngữ trong 1 câu ngắn.

Tôi cũng nhớ đến tiểu thuyết “Rừng Na-uy” của tác giả người Nhật Haruki Murakami. Bài hát Norweigian Wood của The Beatles (nguồn cảm hứng của tiểu thuyết) dịch đúng là “Gỗ Na-uy”. Wood trong tiếng Anh có hai ý nghĩa, một là gỗ, hai là rừng; trong bài hát đang nói về gỗ cho vào lò sưởi, chứ không phải cả khu rừng, không phải forest. Người Nhật dịch sai, sai thành quen, quen thành đúng. Vậy tên “Rừng Na-uy” trong tiếng Việt là tên dịch đúng của tên dịch sai.

Trong những trường hợp đó, người ta đã cần một cái xô để rót tình cảm vào. Quan trọng nhất không phải cái xô "chuẩn" hay không, quan trọng nhất là có xô ngay để sử dụng được luôn - tình cảm phải được rót ra mà rót vào sàn thì phí quá.

“Chúc mừng năm mới”, “Yêu em dài lâu” và “Rừng Na-uy” có đủ chất xô để sử dụng (đủ chất lãng mạn nữa), thế là người ta rót tình cảm vào, tạo kỷ niệm ấm áp. Anh vẫn nhớ lần đầu tiên em đọc rừng Na-uy cho anh nghe. Em vẫn nhớ ngày sinh nhật anh hát “Yêu em dài lâu” tặng em.

Một cái xô, khi nước đã rót vào thì rất khó thay bằng xô khác mà không làm nước bắn ra, không làm người ta kêu. Nếu thực sự cần thay đổi chỉ có cách rót chậm vào xô khác, thay đổi nhẹ nhàng, từng giọt, từng giọt.

Còn thay đổi hay không (có khi tốt nhất là để nguyên), chúng ta vẫn nên tiếp tục phân tích những vấn đề này, không nên chấp nhận câu trả lời “vì nó là thế”. Bao nhiêu là sự tàn ác đã xảy ra trong lịch sử vì có người chấp nhận câu trả lời đó - bọn nó phải chết vì bọn nó phải chết. Một xã hội luôn phân tích điều đang làm, dù điều nhỏ hay điều lớn, là xã hội phát triển, biết chống cái ác, biết đón cái mới.

Chúc xã hội Việt Nam tiếp tục phát triển.

Chúc năm mới hạnh phúc.

Joe