Chức danh… không thời hạn
(Dân trí) - Khi đã nói đến “bổ nhiệm” thì cũng có “miễn nhiệm”, đã nói chức danh thì gắn với nhiệm vụ cụ thể, hết nhiệm vụ thì chức danh không còn ý nghĩa. GS theo đó cũng không phải là một “danh xưng” làm trang sức cho cá nhân nào.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS); thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS.
Các chức danh này gắn với hoạt động nghiên cứu, giảng dạy; trình độ ngoại ngữ và phải đủ điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định, trong đó ứng viên giáo sư phải có ít nhất 5 bài báo quốc tế.
Quyết định này được đưa ra khiến nhiều người cho rằng, việc bổ nhiệm GS, PGS sẽ trở nên chặt chẽ hơn, đặc biệt là sau khi chúng ta vừa trải qua một năm 2017 với sự “bùng nổ” số lượng GS, PGS gây xôn xao dư luận. Chỉ trong một năm qua mà nước ta đã có có thêm 1.131 GS, PGS và có 95 người “suýt nữa” thì được công nhận.
Tuy nhiên, theo người viết, rất khó để đánh giá một cách cảm tính rằng, số lượng PG, PGS ở ta nay là “nhiều” hay “ít”.
Tờ Lao động ngày 13/5/2018 dẫn thông tin từ GS Trần Văn Nhung – Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, cả nước hiện đang có khoảng 1.600 GS, 10.000 PGS (có tính cả những vị đã mất hoặc về hưu). Số lượng GS và PGS còn nghiên cứu, chính vì thế chỉ chiếm khoảng 1/4. Trong số 1.600 GS chỉ có khoảng 200-300 GS còn đang làm việc, còn nghiên cứu.
Đáng chú ý, cũng theo như lời GS Trần Văn Nhung, tính bình quân trên 1 vạn dân, thì số GS ở ta cũng chỉ bằng 1/8 so với Trung Quốc và bằng 1/3 so với nước Đức. Vậy, nói rằng ta đang “quá tải” GS, “lạm phát” GS, PGS thì cũng không hẳn nhất là khi chỉ có vài trăm GS là đang có cống hiến cho sự nghiệp khoa học, giáo dục!
Do đó, vấn đề có lẽ không nằm ở số lượng mà cần xem lại, mục đích của việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS để làm gì? Ý nghĩa của chức danh GS, PGS đối với đất nước, đối với xã hội ra sao? Bởi với quy định hiện tại thì số lượng GS, PGS sẽ còn gia tăng qua từng năm và không thể năm nào cũng để xảy ra tranh cãi về số lượng như thời gian qua.
Thực tế, trong Quyết định số 37 cũng có đề cập đến việc xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Tuy nhiên, chỉ có 4 trường hợp bị xét huỷ bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS, đó là: (1) Bị phát hiện và xác định không đủ chuẩn; (2) sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, bị thu hồi hoặc bị tước bằng tiến sĩ; (3) bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; (4) bị toà án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Những trường hợp này là rất hi hữu.
Một phát biểu rất đáng chú ý của GS.TSKH Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, rằng: GS là những người thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho đất nước, là nhà giáo có trình độ cao nhất thuộc lĩnh vực nào đó. Do vậy, nếu không còn đào tạo hay giảng dạy, GS nên dành lại chức danh cho người khác. Ông cũng quả quyết rằng, đến khi không đủ sức tham gia đào tạo, nghiên cứu nữa thì ông cũng sẽ trả lại chức danh này.
Khi đã nói đến “bổ nhiệm” thì cũng có “miễn nhiệm”, đã nói chức danh thì gắn với nhiệm vụ cụ thể, hết nhiệm vụ thì chức danh không còn ý nghĩa. GS theo đó cũng không phải là một “danh xưng” làm trang sức cho cá nhân nào.
Người viết luôn tin rằng, sự kính trọng, ghi nhận của xã hội đối với một cá nhân luôn xuất phát từ những cống hiến thiết thực của người đó với cộng đồng, chứ không phải vì phía trước tên riêng có gắn hay không gắn liền với “danh xưng” nào đó.
Bích Diệp