"Chống dịch phải an dân"

Bích Diệp

(Dân trí) - Đã xác định "chống dịch như chống giặc" thì quân dân phải một lòng đoàn kết và cần cả kỷ luật. Dịch vẫn còn đó, "giặc" còn trước mắt, mong rằng không ai dao động mà đánh mất kỷ luật và niềm tin.

Chống dịch phải an dân - 1

 (Người dân đổ xô đi mua hàng hóa)

Quan điểm này được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đưa ra tại cuộc làm việc giữa Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam với lãnh đạo TPHCM.

Ông Nên lưu ý việc an dân qua chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm đến tận nhà cho từng người dân, đặc biệt phải hỗ trợ đầy đủ, "không bỏ sót bất cứ ai", nhất là người khó khăn, không có điều kiện.

Người viết cho rằng, "an dân" chính là tiền đề trong mọi giai đoạn chống dịch, ở mọi địa phương trên cả nước, không chỉ TPHCM.

Chỉ khi người dân yên tâm rằng, họ có đủ cái ăn cái mặc, tồn tại được trong thời gian giãn cách và được quan tâm chăm sóc nếu chẳng may mắc Covid-19, khi đó yêu cầu "ai ở đâu ở yên đấy" mới được thực hiện một cách triệt để, từ đó hạn chế đường lây nhiễm và giúp địa phương khoanh vùng, dập dịch tốt hơn.

Làm được điều này cần nguồn lực lớn, cần sự thống nhất trên dưới một lòng của các cấp chính quyền, các lực lượng tham gia chống dịch. Và để an dân cũng cần chính sự hợp tác, sự cảm thông, tin tưởng của người dân với chính quyền địa phương.

Theo phản ánh trên báo chí, ngay sau thông tin TPHCM yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8 thì tại nhiều siêu thị, nhà thuốc ở TPHCM đã bị quá tải do lượng người dân xếp hàng mua quá đông.

"Nghe nói sắp siết chặt giãn cách, người dân không được ra đường nữa, sợ thiếu lương thực cho gia đình nên tôi cũng đi mua một ít về dự trữ. Mấy siêu thị gần nhà cũng rất đông người, tôi tưởng qua đây sẽ dễ mua đồ hơn, nhưng cũng đông không kém. Giờ nắng quá, phải xếp dép ngồi chờ, hy vọng vẫn còn đồ để mua" - một người dân nói với phóng viên Dân trí trong khi đã chờ xếp hàng tới 3 tiếng đồng hồ từ sáng đến trưa 21/8 trong điều kiện đông đúc và nóng bức.

Để chuẩn bị cho tình huống tăng thời gian giãn cách, việc nhiều người đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm dẫn đến ùn tắc, quá tải. Rõ ràng là tình huống rất… trớ trêu và nghịch lý.

Thế nhưng điều nghịch lý này lại xảy ra ở rất nhiều địa phương chứ chẳng riêng gì TPHCM mỗi khi chuẩn bị tới "giờ G" giãn cách. Tồn tại, sống sót, chống lại cái đói là bản năng rất lớn của con người.

Đếm từng ngày trôi qua, dù không có việc nhưng vẫn phải ăn, phải sống mà không biết dịch sẽ còn dai dẳng bao lâu... Thời gian kéo dài, nguồn tài chính thu hẹp, điều đó thử thách sự kiên trì của con người. Không ai muốn mắc kẹt và thiếu thốn, cũng không ai muốn bị nhiễm bệnh.

Mới thấy rằng, con người ta mới cần phải yêu thương, thông cảm và giúp đỡ, tương trợ nhau nhiều hơn nữa. Nhưng cũng chính từ trong điều kiện dịch bệnh, mỗi người đều phải có thêm niềm tin và hi vọng. Để củng cố niềm tin thì công tác thông tin về phương án chống dịch phải thật rõ ràng, mạch lạc và chính xác, nhanh chóng đến với người dân.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, "kể cả trong trường hợp bất đắc dĩ, chính quyền cũng sẽ có trách nhiệm cung  cấp hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân". Quân đội vào cuộc. Phương án bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày đã được tính toán.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ cho biết, lực lượng quân đội sẽ lập các đội công tác đặc biệt với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… vừa làm công tác tuyên truyền vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng nhà dân.

Ngoài ra, lực lượng quân y cũng sẽ cùng với các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế cho người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà cũng như các trường hợp y tế khẩn cấp khác.

Mới đây, sau đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chính phủ đã đồng ý cấp hơn 130.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh thành để hỗ trợ người dân khó khăn do dịch, trong đó TPHCM nhận hơn 71.000 tấn. Một số gói đề xuất với quy mô lớn nhằm an sinh tại TPHCM cũng đã được địa phương này trình Trung ương.

Đã xác định "chống dịch như chống giặc" thì quân dân phải một lòng đoàn kết và cần cả sự kỷ luật. Dịch vẫn còn đó, "giặc" còn trước mắt, mong chúng ta không ai dao động mà đánh mất kỷ luật, đánh mất niềm tin.