Chơi “hài cốt”- thú chơi có bộ mặt hủy diệt
(Dân trí) - Những năm gần đây, phổ biến trong giới trẻ “sành điệu” thú chơi mô hình bằng xương được gọi là thú chơi "hài cốt". Thú chơi này mới du nhập về Việt Nam và được các bạn trẻ tìm đến để thể hiện “phong cách và đẳng cấp”.
Vật mẫu thường là những động vật nhỏ như: Rắn, ếch, dơi, chim... tùy sở thích của người chơi. Để làm được một mô hình bằng xương, người chơi phải mất rất nhiều thời gian. Sau khi tìm con mẫu, họ phải giết chết rồi vặt lông, lột da con vật và lọc bỏ phần thịt rồi ngâm xương vào các loại hóa chất. Sau đó, đem phơi nắng. Cuối cùng là lắp ghép các bộ phận cơ thể con vật lại và kết nối chúng bằng keo dính.
Hiện tại, thú chơi mô hình này được lan truyền thông qua mạng xã hội, sản phẩm chủ yếu được bán trên mạng và chuyền tay nhau trong một bộ phận người chơi và theo như một số bạn chia sẻ, nó đem lại “cảm giác mạnh” và một “phong cách độc đáo” cho người chơi.
Không biết nó có đem lại được chút “độc đáo” nào cho phong cách của người chơi không nhưng “cảm giác mạnh” mà nó mang lại là có thực. Đó là một cảm giác phản cảm, ghê rợn. Với những ai yêu quý động vật, thú chơi này mang bộ mặt hủy diệt.
Một thú chơi nữa, được coi là tao nhã nhưng với những người thực sự yêu thiên nhiên, yêu sự sống, nó cũng mang bộ mặt hủy diệt. Đó là thú chơi đào rừng lâu năm vào những dịp tết của những người nhiều tiền
Trào lưu chơi đào rừng nở rộ ở các thành phố miền xuôi những năm gần đây đã khiến đào rừng, đào núi bị tìm đốn theo kiểu tận diệt, cành lớn cành bé đều bị chặt tuốt, có cành chỉ lác đác dăm bông hoa cũng bị chặt, người chặt nói “biết đâu có người thích cái dáng. Không bán được thì vất chẳng sao, của trời đất không mất tiền mua mà!”.
Để săn được những cành đào lâu năm, người ta sẵn sàng chặt phá mọi thứ. Những cây đào rừng có dáng đẹp bị đào tận gốc mang về thành phố để thỏa mãn thú chơi của những người có tiền. Đào càng lâu năm và được thuổng cả gốc càng được giá. Việc người dân miền núi ồ ạt vào rừng chặt đào đem bán đang tiềm ẩn nguy cơ tận diệt đào rừng.
Đào rừng với vẻ đẹp hoang dại, tự nhiên, tràn đầy sức sống, mang trong mình hơi thở của đại ngàn bỗng chốc bị chặt về cắm vào bình, đặt trong những phòng khách chật ních các tiện nghi hiện đại, chẳng khác gì con hổ bị nhốt vào cũi sắt. Người ta nói rằng đó là một cách giúp người dân miền núi xóa đói giảm nghèo, rằng đào chặt đi rồi nó sẽ mọc lại…
Để có được vẻ đẹp khoảnh khắc trong phòng khách nhà bạn, tạo hóa đã phải mất hàng chục thậm chí hàng trăm năm để chắt chiu. Sở hữu cái đẹp cho riêng mình trong thoáng chốc để rồi phải vứt vào sọt rác, mặc nó đang là cái đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, của cộng đồng, là một sự ích kỷ.
Bạn có thể phản đối tôi, nhưng sự thực thú chơi tao nhã này, dưới góc nhìn khác, cũng mang dung nhan của kẻ hủy diệt.
Cát Thụy