Chi nhiều trăm triệu mua suất đại học: Đắt hay rẻ?
(Dân trí) - Theo thông tin về gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, chi phí để sửa điểm lên tới 700 triệu đồng/trường hợp. Dư luận đặt nhiều câu hỏi: Ai chạy, chạy ai, chạy bao nhiêu tiền?
Câu trả lời có lẽ phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nếu lời khai bị can Lò Văn Huynh là đúng thì số tiền này là đắt hay rẻ?
Có lẽ phải nói luôn, số tiền hàng trăm triệu là lớn, rất lớn, nhất là với một số gia đình nông thôn, miền núi thì số tiền này không bao giờ có, dù trong cả giấc mơ.
Thế nhưng nhìn từ góc độ của những người bỏ tiền “mua điểm” chẳng hạn, thì có thể nói thẳng là nhỏ, rất nhỏ (nó còn “nhỏ” hơn nữa nếu đó là tiền tham nhũng, hối lộ) cho nên theo cách nhìn này, nó là cái giá quá rẻ!
Trước hết, với số tiền gần một tỉ đồng không những mua được một suất đại học mà còn mua được một nghề đang là niềm ao ước của hầu hết các thí sinh. Sau khi có chố đứng, có thể nó còn là bước đệm để có thêm chức vụ và nhiều lợi ích khác nữa.
Thứ hai, họ đã mua được cái danh rất … thơm! Hầu hết các thí sinh được nâng điểm đều có điểm rất cao (27, 28, 29 điểm), nhiều em đỗ thủ khoa các trường danh tiếng. Có thể so sánh với nhiều thí sinh khác, có khi cả dòng họ, trong cả trăm năm đã đi thi đã bao giờ có được kết quả như thế!
Thứ ba, với những người bán là đã bán rẻ tư cách người làm thầy, đạo đức người lãnh đạo và trách nhiệm người làm công tác thi cử, những người đảm nhận vai trò trọng tài của kì thi.
Thứ tư, họ đã bán rẻ niềm tin. Tiêu cực thi cử năm 2018 như bóng mây mờ che phủ ngành giáo dục, gây rúng động, hoang mang cho xã hội và giá trị mất đi sẽ là rất nhiều, rất khó có thể đong đếm được.
Vì thế, dư luận đang mong chờ cơ quan công an tiếp tục làm đến cùng để những người có tội phải được đưa ra ánh sáng nếu không, sắp tới có thể họ sẽ tiếp tục mua rẻ, bán rẻ những thứ còn kinh khủng hơn thế.
Xin đừng để việc mua bán này là khởi đầu cho một hành trình mua bán để tiến thân mới trong tương lai...
Minh Triết