Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát có nên là người địa phương?
(Dân trí) - Theo suy nghĩ của tôi, có lẽ nên áp dụng với lãnh đạo của các ngành thuộc khối tư pháp như Tòa án và Viện Kiểm sát, qui định tất cả lãnh đạo các ngành này cũng không phải là người địa phương...
Có thể nói, cùng với mặt trận phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính là một trong những công việc khó khăn nhất, gian nan nhất bởi nó động chạm đến quyền lợi cùng với những mối quan hệ nhằng nhịt của xã hội ta.
Có lẽ vì thế, dù đã có chủ trương cộng với biện pháp mạnh mẽ, song đến nay, khó có thể nói công cuộc này đã thành công như mong đợi.
Song, đây lại là việc không thể không làm bởi tuy là một nước không lớn, dân số không quá đông, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đất nước vẫn đang phải nuôi một bộ máy hành chính khổng lồ, lên tới khoảng gần 3 triệu viên chức, công chức.
Thế nhưng có một ngành mà công cuộc cải cách hành chính, tinh giản bộ máy đã và đang mang lại nhiều thành công. Đó là Bộ Công an của Bộ trưởng Tô Lâm.
Bằng cách làm quyết liệt và bài bản, trên làm trước, dưới làm sau, Bộ Công an dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Tô Lâm đang trở thành tâm điểm trong vấn đề này.
Cụ thể, tính đến thời điểm này, toàn ngành đã giảm được 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục, hơn 800 đơn vị cấp phòng và hàng ngàn đơn vị cấp đội.
Về chức vụ, đã tinh giản 35 lãnh đạo Tổng cục, 55 cục trưởng và cấp tương đương, 14 Giám đốc Phòng cháy, chữa cháy, 461 trưởng phòng, 500 đội trưởng…
Những con số ấn tượng trên thể hiện quyết tâm rất cao bởi đây cũng là công việc rất khó, nó gắn với cả danh và lợi của mỗi cá nhân.
Dù chưa có con số đánh giá cụ thể, song chắc chắn nó sẽ tiết kiệm nhiều ngàn tỉ đồng ngân sách Nhà nước.
Một điều rất mừng là cho đến nay, được sự đồng lòng, sẻ chia và ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ trong ngành, việc tinh giản diễn ra rất suôn sẻ.
Xin ghi nhận quyết tâm của lãnh đạo Bộ và sự hi sinh của các cán bộ trong diện tinh giản vừa qua.
Mới đây, Bộ Công an tiếp tục tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ xuống đến cấp sở.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã luân chuyển, điều động 33 giám đốc công an tỉnh.
Điều đặc biệt, trong số Giám đốc Công an tỉnh mới bổ nhiệm, phần lớn không phải là người địa phương và điều này đã mang lại những thành công rất đáng khích lệ.
Ví dụ như gần đây nhất là vụ án Nguyễn Xuân Đường và đồng phạm ở Thái Bình chẳng hạn. Nếu không có sự thay đổi người đứng đầu Công an tỉnh, không biết những hoạt động mờ ám của băng nhóm này còn kéo dài đến bao giờ?
Việc sử dụng lãnh đạo ngành Công an không phải người địa phương vừa góp phần ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra mà còn giúp cho chính các vị này khỏi những tình huống khó xử bởi các mối quan hệ họ hàng, làng xã, bè bạn, thân quen…
Hoàn toàn có thể xảy ra tình huống nếu không làm thì không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật. Nhẹ thì kỉ luật, nặng thì mất chức, thậm chí đi tù. Làm thì mất tình cảm quê hương, họ mạc, bè bạn, gia đình…
Từ những thành công trong việc luân chuyển thành công của Bộ Công an, theo suy nghĩ của tôi, có lẽ nên áp dụng với lãnh đạo của các ngành thuộc khối tư pháp như Tòa án và Viện Kiểm sát, qui định tất cả lãnh đạo các ngành này cũng không phải là người địa phương.
Tất nhiên, với phương tiện giao thông, những cuộc gặp gỡ nhau tại đâu đó hoặc một cú điện thoại, nếu muốn vẫn có thể can thiệp, nhờ vả. Song, chắc chắn việc can thiệp này nọ sẽ giảm hơn nhiều bởi gián tiếp không thể như trực tiếp.
Với mô hình người đứng đầu tổ chức (Bí thư tỉnh, thành ủy), Giám đốc Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án Tòa án tỉnh, thành không là người địa phương, công cuộc phòng chống tham những, tiêu cực và tệ nạn xã hội hoàn toàn có thể sẽ tốt hơn.
Đây chỉ là suy nghĩ cá nhân và tôi tin rằng nếu như các bộ, ngành, địa phương đều có quyết tâm và phương pháp như Bộ Công an, công cuộc cải cách hành chính, tinh giản bộ máy sẽ thu được nhiều thành công hơn nữa.
Bùi Hoàng Tám