Câu chuyện mới về một nỗi buồn cũ

(Dân trí) - Luôn luôn chỉ xuất phát từ số ít, không bao giờ là tất cả, nhưng những hành vi độc ác, vô ý thức, xấu xa kia vẫn làm vẩn đục cuộc sống. Làm sao để thể tẩy trừ, loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của chúng ta?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vào cuối năm 2016 vừa qua, hai bức tranh phong cảnh biển vẽ bằng sơn acrylic trên toan lớn nhất Việt Nam, 2 tác phẩm nghệ thuật đường phố ấn tượng được đưa vào sách Ghi- nét, 2 công trình tốn nhiều công sức của nhóm họa sĩ thuộc khoa Mỹ thuật, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng mang thông điệp về tình yêu biển cả, được trưng bày ở hầm đi bộ cầu Rồng (Đà Nẵng) chỉ sau vài ngày đã bị vẽ bậy nham nhở.

Cũng vào dịp cuối năm 2016, mạng xã hội đã một phen dậy sóng phẫn nộ trước hình ảnh một nhóm người mổ bụng, làm thịt cá heo ở Phú Quốc. Trước đó, rất nhiêù lần hình ảnh giết mổ động vật dã man cũng bị một số thanh nhiên coi là chiến tích đem khoe trên trang mạng xã hội facebook.

Và câu chuyện về chú hải cẩu Đốm thân thiện và đáng yêu mới xuất hiện ở bãi biển khu Đồi Dương (Tuy Phong, Bình Thuận) thời gian gần đây, vừa bị giết chết cũng đang làm dư luận phẫn nộ suốt mấy hôm nay. Bức ảnh chú nằm chết tức tưởi trên bãi biển Bình Thuận được nhiều tờ báo đăng tải. Nhìn ảnh, không chỉ những người yêu quý mà ngay cả người chưa mấy quan tâm đến động vật cũng cảm thấy vô cùng tức giận và thất vọng.

Đã cũ rồi, nỗi buồn về sự vô ý thức của một số người trong chúng ta. Và không câu chuyện nào về sự vô ý thức này còn đủ mới nữa, cho dù chúng chỉ vừa mới xảy ra. Những hình ảnh ngập rác sau lễ hội; hành vi phá hoại di tích, viết vẽ bậy nơi các địa danh du lịch; hành động độc ác với động vật v.v.

Vì đã cũ, vì không còn mới nữa, nên nỗi buồn, sự xấu hổ, tổn thương và thất vọng mà chúng ta cảm thấy mỗi khi phải chứng kiến, thật lớn và thật sự không còn lời để nói.

Phải bắt đầu từ đâu? Khi cần lắm trong mỗi con người, lòng nhân ái yêu thương sự sống, sự khát khao gìn giữ, chăm sóc thế giới thiên nhiên, môi trường sống quanh mình. Khi cần lắm trong mỗi con người, thái độ biết tôn trọng người khác, tôn trọng thành quả, công sức, sự sáng tạo của cộng đồng và những người xung quanh.

Phải bắt đầu từ đâu? Khi mà trước cả ý thức, bản năng, trực giác văn hóa, trực giác nhân văn có thể dẫn dắt hành vi con người trở nên đúng đắn hơn. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, mầm lương thiện, bản năng nhân văn vốn có trong mỗi cá thể khi mới sinh ra cần được gia đình, cộng đồng nuôi dưỡng, bồi đắp như thế nào để nó sớm lớn lên, đơm hoa kết trái?

Dù có hàng trăm lượt người đã đi ngang qua hầm đi bộ cầu Rồng, đi ngang qua 2 bức tranh kỷ lục nổi tiếng, thích thú ngắm nhìn và lắng nghe thông điệp từ các nghệ sĩ, thầm cám ơn họ đã giúp làm cầu Rồng đẹp hơn, giúp mình sải bước thú vị và nhẹ nhàng hơn, nhưng rồi vẫn có vài kẻ xấu vô ý thức đã phá hoại những bức tranh.

Dù nhiều người dân đã rất thân thiện chào đón, vui đùa và trêu chọc hải cẩu suốt những ngày qua, thậm chí nhiều thanh niên trong vùng còn xuống tắm cùng vị khách lạc bước đáng yêu này, nhưng rồi cuối cùng có một kẻ đã tàn ác giết chú.

Luôn luôn chỉ xuất phát từ số ít, không bao giờ là tất cả, nhưng những hành vi độc ác, vô ý thức, xấu xa kia vẫn làm vẩn đục cuộc sống của chúng ta. Làm sao để có thể tẩy trừ, loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống?

Cát Thụy