Cao tốc “bầy hầy” và lão nông “dài cổ”... đợi!
(Dân trí) - Ơ hay, sao lại yêu cầu người tố cáo tiêu cực đưa ra “giải pháp” với “toàn diện” nhỉ? Và nếu đưa ra giải pháp, họ làm chuyên gia cầu đường để hưởng bổng lộc chứ dại gì đi làm thuê, làm mướn. Vả lại, nếu đưa được giải pháp thì các ông làm gì? Bằng cấp của các ông, các bà để làm gì?
Cao tốc “bầy hầy” là cái tên được các đồng nghiệp báo Người Lao động của chúng tôi “tặng” cho con đường Cao tốc đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi trị giá 34.500 tỉ đồng.
Bài báo, “Cao tốc 34.500 tỉ đồng tiếp tục "bầy hầy" cho biết sau ổ gà; thấm dột cầu, cống chui nay đến lượt nhiều vị trí trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hằn lún.
Cụ thể, “tại hàng loạt cây cầu, cống trên tuyến cao tốc có vốn đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng này có hiện tượng hằn lún ở phần đầu cầu, cống (chủ yếu ở các gói thầu số 2, 3A, 3B - đưa vào khai thác tháng 8-2017). Do bị lún nên tại các vị trí tiếp giáp giữa phần đường và mố của nhiều cây cầu, cống có hiện tượng đứt gãy, nứt lớp nhựa đường. Trong đó, một số vị trí có vết nứt lớn và kéo dài, có thể dễ dàng đưa ngón tay vào bên trong…”.
Thế nhưng khi được hỏi, một vị lãnh đạo VEC nói rằng chưa có cơ sở khẳng định vì theo vị này, chất lượng công trình có bộ tiêu chí, bộ tiêu chuẩn để đánh giá.
Hơ! Lạ nhỉ? Chả lẽ lại có “bộ tiêu chí, tiêu chuẩn” lại chấp nhận chất lượng không đảm bảo với ổ gà, thấm dột trên con đường trị giá mấy chục ngàn tỉ đồng chắc?
Biết đâu vì những lời giải thích này mà các đồng nghiệp của chúng tôi đã đặt cho nó cái tên… “cao tốc bầy hầy” chăng?.
Thế nhưng theo người viết bài này, nó còn là con đường “đen đủi” bởi đã “lộ diện” rất “đúng qui trình” vào giữa thời điểm Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Phải chăng điều này khiến vị tư lệnh ngành, vốn đã ít được tín nhiệm cao lại càng… “tụt hạng” xuống áp chót?
Song, còn có một thông tin mà báo Dân trí nêu rất đáng suy ngẫm.
Đó là đến thời điểm này, lão nông Phạm Tấn Lực, người suốt 4 năm qua kiên trì tố cáo những vấn đề được cho là có sai phạm tại gói thầu A3 của nhà thầu Giang Tô vẫn chưa được khen thưởng.
Theo ông Võ Văn Tâm, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Sơn cho biết "những thông tin mà ông Lực phản ánh chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm chứng, kết luận đúng hay sai. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để đề nghị khen thưởng".
Đọc câu trả lời này, chợt nhớ lại cách đây ít lâu, trước câu hỏi tại sao những phản ánh của ông Lực không được xem xét, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc BQL Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng, một số phản ánh của ông Lực có thể về mặt hiện tượng là đúng, tuy nhiên "người ta" chỉ đưa ra hiện tượng mà không đưa ra được giải pháp nên thông tin đó không được toàn diện.
Ơ hay, sao lại yêu cầu người tố cáo tiêu cực đưa ra “giải pháp” với “toàn diện” nhỉ? Và nếu đưa ra giải pháp, họ làm chuyên gia cầu đường để hưởng bổng lộc chứ dại gì đi làm thuê, làm mướn. Vả lại, nếu đưa được giải pháp thì các ông làm gì? Bằng cấp của các ông, các bà để làm gì?
Trở lại với việc lão nông Lực chưa (hay không nhỉ?) được trao thưởng, nói thẳng là nó làm nhụt chí, phật lòng những người tố cáo tiêu cực dù khi tố cáo, họ không có động cơ, mục đích này.
Và chợt nhớ vụ “nhân bản xét nghiệm” ở Hoài Đức (Hà Nội) năm nào, khi lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội xuống trao tặng phần thưởng trị giá 30 ngàn đồng (đơn giá một bát phở nghèo) cùng tấm giấy khen theo kiểu “tặng nhanh, rút vội” thì lão nông Phạm Tấn Lực có phải “dài cổ” chờ tặng thưởng cũng chẳng có gì là lạ.
Ơ, mà biết đâu việc khen thưởng cho ông nông dân Phạm Tấn Lực tức là đồng nghĩa với việc công nhận BQL DA sai nên họ... chần chừ?
Bùi Hoàng Tám