“Cảnh vệ nhiều chứng tỏ bất ổn” & “Giúp dân, dân lập miếu thờ…”

(Dân trí) - "Dân mình rất tốt, không ai làm gì lãnh đạo đâu!". “Nếu lãnh đạo được lòng dân thì dân sẽ che chở cho anh. Dân là người cảnh vệ tốt nhất”. “Dân nào làm hại bí thư, chủ tịch mà cần cảnh vệ?"…

“Cảnh vệ nhiều chứng tỏ bất ổn” & “Giúp dân, dân lập miếu thờ…” - 1

Đó là ý kiến của một số ĐBQH xung quanh đề xuất muốn mở rộng diện cán bộ thuộc đối tượng áp dụng chế độ cảnh vệ hiện nay tại phiên thảo luận về Luật Cảnh vệ tại Quốc hội chiều 6/6. Theo Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, sau sự việc tại một tỉnh, nhiều nơi đề xuất cả Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng cần được bảo vệ đặc biệt.

Trả lời phỏng vấn trên báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho rằng “đến giai đoạn nào đó, không cần ai bảo vệ mới là văn minh còn đi ra đường mà lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa không an toàn… cảnh vệ càng nhiều thì chứng tỏ xã hội càng bất ổn”.

Bày tỏ niềm tin vào nhân dân, vị Đại tá khẳng định “"Dân mình rất tốt, không ai manh động làm gì tới lãnh đạo địa phương như bí thư, chủ tịch tỉnh đâu" đồng thời cho rằng số lượng đối tượng cảnh vệ như dự thảo luật quy định là hợp lý, mở rộng ra thì rất tốn kém. “Thậm chí tôi nghĩ còn phải giảm thêm. Sự việc vừa qua ở Yên Bái cũng chỉ là hi hữu thôi, chúng ta không nên lấy một sự việc cụ thể để so sánh với tổng thể”. Vị Đại tá này nói.

Cùng quan điểm với ĐB Cầu, ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội còn phân tích có ba khả năng. Thứ nhất các đối tượng tìm cách tiếp cận lãnh đạo địa phương để gây ra những hành vi mất an toàn phần lớn là do thù hằn cá nhân hoặc do bất mãn. Trong trường hợp ấy, lãnh đạo địa phương phải xem những quyết sách của mình đã hợp lòng dân chưa, có gây mâu thuẫn không, có tạo ra lợi ích nhóm hay không.

Thứ hai, cũng có thể có tình huống khi một vị lãnh đạo quyết tâm thay đổi nền tảng lãnh đạo, quản lý, điều hành nhưng lại thay đổi theo nghĩa tiêu cực, việc thay đổi ấy không hợp lòng dân, gây thù chuốc oán...

Khả năng thứ ba ít xảy ra là các lực lượng phản động tìm cách tiếp cận để phá hoại, nhưng với lãnh đạo địa phương, ông Vân vẫn cho rằng không cần thiết có cảnh vệ, vì thế lực thù địch nếu tấn công sẽ tiếp cận nhằm vào các đối tượng lãnh đạo cấp cao như dự thảo Luật Cảnh vệ quy định.

Đặc biêt, ĐB Vân còn bày tỏ: “Vấn đề quan trọng nhất, nếu lãnh đạo được lòng dân thì dân sẽ che chở cho anh. Tôi từng là cán bộ luân chuyển tôi biết, khi mình hết lòng vì dân và chia sẻ với dân thì dân sẽ bảo vệ mình thôi. Dân là người cảnh vệ tốt nhất”.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội kể lại một câu chuyện hàm ý hóm hỉnh: “Có một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị từng kể câu chuyện mà tôi cứ nhớ mãi, đồng chí ấy nói với các anh em cảnh vệ “các cậu không bảo vệ được tớ đâu, nhân dân mới là người bảo vệ tớ”.

Trên đây là những ý kiến rất đáng lưu ý bởi Việt Nam, tuy còn có không ít những tiêu cực nhưng đời sống xã hội khá ổn định và không có những diễn biến quá phức tạp mà như lời Đại tá Cầu : “không cần ai bảo vệ mới là văn minh… cảnh vệ càng nhiều thì chứng tỏ xã hội càng bất ổn”.

Điều thứ hai, bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của ta quá cồng kềnh, không thể “phình to” thêm nữa. Nếu như thêm Bí thư và Chủ tịch tỉnh, tất nhiên phải “mở rộng” sang các chức danh tương đương như bộ trưởng, thứ trưởng và trưởng, phó các ban ngành. Con số thực tế có thể lên tới cả ngàn người và như thế tất nhiên không phù hợp với tinh thần tinh giản hiện nay. Vả lại, quan đã đông lắm rồi, giờ thêm nữa thì “dân nuôi sao nổi”.

Thứ ba, chính quyền của ta là chính quyền “của dân, do dân và vì dân”, Chính phủ kiến tạo mà Việt Nam đang xây dựng là Chính phủ gần dân và phục vụ nhân dân. Trong khi đó, mỗi khi Bí thư, Chủ tịch tỉnh tiếp xúc với dân lại có cảnh vệ vừa không đúng với quan điểm mà còn tạo khoảng cách xa dân, trị dân.

Thật khó có thể tưởng tượng một ông Bí thư hay Chủ tịch tỉnh tiếp xúc với dân lại có ông cảnh vệ đứng kèm. Nó xa lạ làm sao ấy…

Và một điều rất quan trọng, như lời của ĐB Lê Thanh Vân đã nói ở trên, đó là nếu lãnh đạo được lòng dân thì dân sẽ che chở “khi mình hết lòng vì dân và chia sẻ với dân thì dân sẽ bảo vệ mình thôi. Dân là người cảnh vệ tốt nhất”. Chợt nhớ câu: “Giúp dân, dân lập miếu thờ…”.

Bùi Hoàng Tám