Cần "tuyên chiến" với "những người giỏi hứa"!
(Dân trí) - Nói nhiều, làm ít; "nói như rồng leo, làm như mèo mửa"; "nói zậy mà không phải zậy"; nói rồi không làm… Đó là căn bệnh của một số cán bộ, công chức mà người dân gọi họ là "những người giỏi hứa".
Về "căn bệnh" này, Đảng, Nhà nước đã chỉ ra từ lâu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần nói đi đôi với làm, Người từng căn dặn: "Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành... Nói cái gì phải cho tín- nói và làm cho nhất trí, làm thế nào cho dân tin..."".
Nói về những biểu hiện suy thoái của một số cán bộ đảng viên, Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ghi rõ: "Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu…".
Ngày 24.4 vừa qua, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Chỉ thị 05) do Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tổ chức, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý đối với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phải bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt phương châm nêu gương nói đi đôi với làm, lấy đổi mới là phương thức tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao là cơ sở để đánh giá kết quả làm theo.
Tóm lại, nói không đi đôi với làm là "căn bệnh" nguy hiểm và khó chữa. Nó không chỉ làm trì trệ công việc mà còn làm mất niềm tin nghiêm trọng của người dân vào cơ quan công quyền. Đây cũng là bức xúc, trăn trở của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng như của người dân.
Hiện nay, cử tri luôn giám sát giữa lời nói và việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là thời điểm đầu các nhiệm kỳ.
Với "những người giỏi hứa", muốn khắc phục tình trạng này, theo tôi, mỗi một vị trí khi được bổ nhiệm cần nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể của mình cùng với thời gian thực hiện để thuận tiện cho việc giám sát. Từ đó, đến thời hạn cam kết hoặc giữa và cuối các nhiệm kỳ, chỉ cần đưa "lời hứa" ra để đối chiếu là có thể thấy rõ đã làm được những gì và chất lượng như thế nào.
Cùng với đó, cần có một phong trào tuyên chiến với "những người giỏi hứa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên!