Các cô giáo mầm non, xin đừng bỏ cuộc!
(Dân trí) - Người viết kỳ vọng, các thầy cô giáo trong lĩnh vực mầm non tư thục sẽ đón nhận tin vui, vẫn lạc quan, tin tưởng gắn bó, vẹn nguyên tình yêu với nghề, với trẻ!
"Sang nhượng trường mầm non"; "Sang nhượng trường mầm non tư thục HN"; "Sang nhượng trường mầm non HCM"… Đây chỉ là tên một số nhóm (group) hiển thị trên Facebook mà tôi vừa tìm kiếm. Mỗi group như vậy có hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên.
Đã là đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 và mức độ ảnh hưởng của đợt dịch lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với 3 đợt trước. Mặc dù toàn hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương đều rất nỗ lực để phòng, chống dịch, song chúng ta đang phải chấp nhận thực tế trước mắt sẽ không có "zero Covid" mà phải sống chung với dịch. Điều đó cũng có nghĩa là diễn biến dịch giã còn âm ỉ và tác động lâu dài.
Hệ thống các cơ sở giáo dục, đặc biệt là mầm non tư thục là một trong những diện bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19. Với yêu cầu giãn cách, nhiều địa phương chưa thể cho phép các trường học, cơ sở mầm non mở cửa trở lại. Theo đó, rất nhiều chủ trường khó lòng chịu nổi "nhiệt", không thể trụ được với gánh nặng chi phí (tiền thuê mặt bằng, điện, nước…) phải đứng trước bài toán đóng cửa, sang nhượng.
Đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên những cơ sở ngoài công lập bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Trong khi đó ngay cả với những cơ sở giáo dục công lập cũng khó khăn với chi trả lương cho giáo viên, bảo vệ, phục vụ, bảo mẫu, nhân viên nấu ăn…
Covid-19 vẫn còn đó, mỗi một ngày trôi đi những gánh nặng chi phí càng tăng thêm. Trẻ mầm non thiệt thòi không được đến trường lớp đã đành, giáo viên, bảo mẫu cũng khó khăn bộn bề vì thất nghiệp, lăn lộn với đủ mọi nghề từ bán hàng đến lao động phổ thông để kiếm sống.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM, chỉ tính đến tháng 9, tức đầu năm học mới, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động trong ngành giáo dục ở địa phương này bị mất việc làm đã trên 12.300 người, hơn 3.300 giáo việc thuộc diện F0. Con số này nếu tính trên quy mô cả nước có lẽ còn lớn hơn nhiều lần.
Chính sách trợ cấp cho người lao động trong lĩnh vực giáo dục mầm non là có, nhưng quá trình xét duyệt hồ sơ không dễ dàng. Nói với báo chí, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hồ sơ yêu cầu nhiều loại giấy tờ như bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, chứng minh người lao động đang mang thai... Tuy nhiên, việc xác nhận các giấy tờ nêu trên là rất khó khăn do giãn cách xã hội (thông tin trên Báo Thanh Niên, 24/9).
Hơn nữa, với những cơ sở mầm non tư thục, không phải người lao động nào cũng tham gia bảo hiểm xã hội, thế nên khó khăn lại chồng thêm khó khăn hơn.
Trước tình hình đó, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại TPHCM có Thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non.
Các kiến nghị này gồm có tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học được sớm hoạt động trở lại; hỗ trợ tín dụng, chi phí điện nước; tiêm vắc xin cho người lao động; ưu tiên giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp… Người viết cho rằng, đây đều là những kiến nghị chính đáng, cần thiết và đương nhiên - không chỉ với TPHCM mà với các địa phương khác trong cả nước.
Việc đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ riêng dành cho giáo viên và công nhân viên làm việc trong ngành giáo dục cũng thể hiện sự nhân văn, tinh thần tôn sư trọng đạo. Tuy nhiên, cần nghiên cứu rõ về tiêu chí để hỗ trợ đến được với những đối tượng thực sự khó khăn. Ngân sách có hạn nên nếu hỗ trợ tràn lan thì không đủ nhưng hỗ trợ trong diện hẹp lại không đạt kết quả mong muốn.
Hiện, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi.
Bên cạnh những đề xuất đã nêu trên, thiết nghĩ, không nhất thiết phải hoàn toàn "tiền mặt trao tay" mới là hỗ trợ, mà có thể thông qua các gói vay tín chấp, vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất… để giúp các chủ trường cũng như người lao động của họ vượt khó. Điều quan trọng nhất là không gây khó dễ về mặt hồ sơ, giấy tờ tránh gây tổn thương lòng tự trọng của người dạy học; chính sách rõ ràng, không gây hiểu nhầm, hướng đúng đối tượng, tránh khi triển khai lại xảy ra "dê lạc nhà, gà lạc chuồng" làm mất đi tính nhân văn cần có.
Với sự chung tay tháo gỡ, người viết kỳ vọng, trong tháng 11 tới - tháng có Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam - các thầy cô giáo trong lĩnh vực mầm non tư thục sẽ đón nhận tin vui, vẫn lạc quan, tin tưởng gắn bó, vẹn nguyên tình yêu với nghề, với trẻ!