Bỗng dưng được phen “đứng tim” rồi… ôm bụng mà cười!

(Dân trí) - Sau khi Bộ Giao thông Vận tải khiến công chúng một phen “hoảng hốt” bởi đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” thì mới đây, không ít người nông dân đã phải “tá hỏa” vì một nội dung tại Thông tư 02/2019 mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa mới ban hành.

m_thong-tu.jpg

 

 

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải khiến công chúng một phen “hoảng hốt” bởi đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” thì mới đây, không ít người nông dân đã phải “tá hỏa” vì một nội dung tại Thông tư 02/2019 mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa mới ban hành.

Tờ Pháp luật Việt Nam ngày 12/3/2019 nêu ra một danh mục dài lê thê sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ NN&PTNT có hiệu lực từ 11/2/2019

Danh mục này không đề cập tới nhiều loại nguyên liệu mà người dân, trong tập quán vẫn sử dụng cho việc chăn nuôi. Chẳng hạn, cho thỏ ăn khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống; cho lợn ăn cám bèo tây, thân cây chuối… Rồi nuôi, đào giun quế để nuôi gà, nuôi cá.

Lập tức, quy định này đã tạo ra không ít băn khoăn: Phải chăng từ nay, chăn nuôi bằng các loại rau, quả, động vật này sẽ là bất hợp pháp? Sản phẩm chăn nuôi từ các nguồn nguyên liệu này sẽ không được lưu hành?

Khi những thắc mắc này được đưa đến ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT (đơn vị đề nghị ban hành Thông tư) thì được trả lời: Dù là bèo, cây chuối, hay cà chua, cà rốt, bắp cải… là những sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán cũng phải xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn, có chất lượng tối thiểu mới được đưa vào làm thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời, vị này cũng đưa ra lời khuyên bà con nông dân, với những loại thức ăn chăn nuôi mà Bộ chưa cập nhật, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, kỹ thuật thì bà con không nên tận dụng quá. “Chưa ai phạt đâu, nhưng hộ chăn nuôi vẫn nên xác định rõ là nên sử dụng thức ăn đảm bảo, an toàn. Không nên nghĩ heo nhà tôi, tôi thích cho ăn gì thì cho”, ông Dương trấn an.

Câu trả lời của ông Dương không sai. Những quy định mà Cục Chăn nuôi đưa ra cũng không có gì là phi lý cả. Trong bối cảnh dịch bệnh và điều kiện chăn nuôi đâu đâu cũng thấy hoá chất như hiện nay thì việc kiểm soát nguồn thức ăn đầu vào là rất cần thiết, nếu không muốn nói là cấp thiết.

Thế nhưng, không hiểu là vì sao cơ quan soạn thảo lại tích cực liệt kê các loại thức ăn chăn nuôi “được phép” như vậy. Bản thân ông Dương cũng “thật thà” trả lời “cần có thời gian để Bộ tiếp tục cập nhật”.

Than ôi, nếu cứ liệt kê vậy rồi giả sử không đầy đủ lại tiếp tục bổ sung… Nếu văn bản pháp luật nào cũng rơi vào vòng luẩn quẩn ban hành rồi sửa đổi, dân quay cuồng với một loạt yêu cầu mới, chắc chẳng còn tâm trí đâu mà yên tâm làm việc.

Với tinh thần “người dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm”. Vậy chỉ cần nêu ra những loại không được phép, nêu quy chuẩn rõ ràng với thức ăn chăn nuôi thì há chẳng phải dễ hiểu, đỡ mất thời gian hơn không?

Cũng bởi vậy, tại buổi làm việc ngày 14/3, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở các bộ, ngành trước khi công bố các văn bản, chính sách phải đánh giá kỹ tác động, tránh việc vừa ban hành dư luận đã không đồng tình.

Người viết cho rằng, ít nhất với cơ chế buộc phải công khai dự thảo lấy ý kiến rộng rãi như hiện nay, các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp vẫn còn có thể góp ý và nêu ý kiến. Chỉ sợ văn bản “âm thầm” ra đời rồi “âm thầm” ban hành để người dân phải “ngã ngửa”.

Yêu cầu phải “nghe nhiều tai, nhiều chiều” mà ông Dũng đề cập với các cơ quan soạn thảo không chỉ để bớt tạo ra “những đề xuất buồn cười để dư luận ồn ào không đáng có” như lời ông Dũng mà còn quan trọng hơn thế, là tránh được tình trạng “cài cắm” lợi ích nhóm, “tham nhũng chính sách”.

Và đề án Chính phủ điện tử đang được xây dựng, vì thế cần đi vào thực tiễn, càng sớm càng có lợi.

 

Bích Diệp