Bối rối chuyện đời

(Dân trí) - Trên đời này, ở nơi nào, thời nào có quy trình được xây dựng lên để dùng tuyển chọn đề bạt người kém tài, kém đức?! Vừa đang bối rối về chuyện thi cử trong ngành GD&ĐT, nghe ông nói, tôi đâm bối rối thêm về chuyện quy trình đề bạt cán bộ ngành GTVT.

Bối rối chuyện đời

                                                                                                    (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

-  Này ông, "Tứ thập nhi bất hoặc" có nghĩa là khi người ta tới 40 tuổi là đã có thể hiểu thấu mọi sự-lý trong thiên-hạ, phân biệt được việc phải hay trái cũng như hiểu được ai là người tốt hay xấu và biết được cái gì nên làm hay không. Ấy thế mà đáng thương cho cái thân tôi, ở tuổi bốn mươi này, tôi bỗng thấy bối rối.

- Bối rối thế nào?

- Y hệt như chuyện xưa mà chú bé học trò đã gặp phải khi cắp  tráp theo hầu thầy đồ đi chơi. Trò này đi sau thầy, thầy quay lại gắt: “Ta có phải là tù của mi đâu mà mi đi sau để áp giải ta”. Trò bối rối, vội vọt lên, đi trước thầy. Thầy lại gắt: “Mi có phải là bặc bề trên của ta đâu mà dám đi trước ta”. Trò bối rối, lại vội lùi lại đi ngang hàng với thầy. Thầy vẫn gắt: “Mi bằng vai bằng lứa với ta hay sao mà dám đi ngang hàng với ta.”

- Nhưng ông bối rối, không phân biệt nổi phải hay trái  về chuyện gì?

- Đó là khi nghe  chuyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Hội đồng thi trường Đồi Ngô Bắc Giang. Học sinh phải mở giấy bút làm đề thi môn văn : “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức của xã hội. Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý kiến trên” nhưng ngay lúc đó, các em lại chứng kiến việc thi cử dối trá, quay cóp diễn ra rất công khai với sự tiếp sức của các giám thị bên trong cũng như bên ngoài phòng thi. Các thầy cô giáo rao giảng cho học sinh phải chống tiêu cực, nhưng lại định xử lý em học sinh quay video clip gian lận tới nơi tới chốn, lấy cớ theo quy chế thì thí sinh không được phép mang thiết bị ghi hình vào phòng thi, nhưng nếu học sinh đó không quay lén để lấy bằng chứng thì nói miệng liệu có ai tin, thậm chí còn bị quy vào tội dựng chuyện vu cáo, làm mất uy tín ngành giáo dục.  Kiểu gì cậu học sinh này cũng bị bắt lỗi thôi! Ngồi trong trường, học sinh tai được nghe  đến nhàm chuyện thầy cô giáo rao giảng ý nghĩa và nội dung của phong trào “Nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng mắt các em lại nhìn thấy các thầy cô giáo tiếp tay cho sự gian lận trong thi cử để trường có thành tích tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2012 vừa được công bố đã cho thấy thắng lợi vẻ vang của ngành giáo dục với những con số đầy ấn tượng, chẳng tỉnh nào có tỉ lệ  tốt nghiệp dưới 95%. Riêng Hưng Yên bỗng vượt lên thành hàng đầu của cả nước với con số tốt nghiệp 99,9%.

            - Ối dào, nếu ông nói đến chuyện bối rối  thì chính tôi cũng đang tuổi "Tứ thập nhi bất hoặc" mà còn bối rối gấp vạn ông khi nghe con đường hoạn lộ của  ông Dương Chí Dũng – Cục trưởng Cục Hàng hải. Giai đoạn 2003-2005, ông ta làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc Tổng Cty đường thủy  để lỗ gần 412 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân ở các công ty có sai phạm để xử lý. Nhưng tháng 8-2005, ông ta lại được điều về làm Tổng giám đốc tập đoàn Vinaline  lớn hơn. Tại đây, kinh qua các chức vụ Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn này, ông ta điều hành tập đoàn hoạt động yếu kém, để lỗ hơn 1.600 tỷ đồng trong hai năm 2009-2010, cùng hàng chục triệu đôla thất thoát do sai phạm trong đầu tư và mua sắm, đã vậy lại còn tham ô, lãng phí. Ấy vậy mà lạ thay, Bộ chủ quản vội vã kéo lên Bộ, đề bạt làm cục trưởng Cục Hàng hải là cái cục quản lý trực tiếp chính cái ngành nghề vừa bị ông ta “phá” nát. Khi bị các đại biểu Quốc hội chất vấn, một số lãnh đạo bộ ngành liên quan vẫn lớn tiếng khẳng định việc đề bạt ông Dương Chí Dũng là đúng quy trình.

            - Hê hê . . . Trên đời này, ở nơi nào, thời nào có quy trình được xây dựng nên để dùng tuyển chọn đề bạt người kém tài, kém đức?! Vừa đang bối rối về chuyện thi cử trong ngành giáo dục, nghe ông nói, tôi đâm bối rối thêm về chuyện quy trình đề bạt cán bộ này.

            - Hãy đợi đấy,  ngày nay dù đều ở tuổi "Tứ thập nhi bất hoặc" chúng ta sẽ còn tiếp tục bị bối rối nữa cho mà xem……..

 

Nguyễn Đoàn

           

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!