Bổ nhiệm “siêu tốc” cán bộ trẻ, vì sao không còn là tin vui?
(Dân trí) - Ở thời điểm hiện tại, việc một cán bộ trẻ nào đó thăng tiến quá nhanh hay được giao giữ một vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, lập tức sẽ gây “xôn xao dư luận”. Hàng loạt câu hỏi ngay lập tức được đặt ra: Người đó con ai? Xuất thân như thế nào?
Thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, thuộc lĩnh vực Uỷ ban Pháp luật phụ trách, Uỷ ban này khái quát: Dư luận xã hội vẫn nóng lên với nhiều vấn đề bức xúc về tuyển dụng, đề bạt không đúng, bổ nhiệm “siêu tốc” xảy ra gần đây…
Liệu có phải chúng ta đang bị ám ảnh bởi “chủ nghĩa lý lịch”? Liệu có phải ta đang đi ngược với xu hướng “trẻ hoá cán bộ” hay đang sa đà vào công kích cá nhân? Thiết nghĩ, vấn đề sẽ không bị làm xô lệch như thế nếu như bản thân thực tiễn không diễn ra những bất cập thật sự và tồn tại những bài học nhãn tiền.
Quá nhiều ví dụ có thể được đưa ra làm dẫn chứng trong những năm vừa qua: Từ bước đường công danh kỳ ảo của Trịnh Xuân Thanh đến những quyết định bổ nhiệm “quá nhanh, quá nguy hiểm” khiến dư luận phải “giật mình” ở Thanh Hoá, ở Quảng Nam, ở Quảng Trị, ở Lào Cai…
Những người được bổ nhiệm này không ít người còn quá trẻ, không có cống hiến gì nhưng vẫn được “túm tóc lôi lên”, “bê đặt vào ghế” với một “quy trình o bế” của những phe nhóm muốn cài cắm con cháu, người nhà vào hệ thống (để làm gì thì chắc cũng không cần phải nói). 6,48 triệu kết quả trong vòng 0,36 giây cho từ khoá tìm kiếm “bổ nhiệm thần tốc” cho thấy vấn đề này đã trở nên nhức nhối và được người dân quan tâm đến mức nào.
Cũng bởi thế mà dân gian có thêm nhiều thuật ngữ mới như công thức tuyển dụng kiểu “4C”, “5E”, hay là những “chuyến tàu vét” của các “quan bố” trong buổi “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng sai quy định trước khi nghỉ hưu. Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không bổ nhiệm 70 cán bộ trước khi nghỉ hưu hay vụ việc 10 người thân làm quan 1 xã ở Quảng Nam… Đây là những ví dụ cụ thể mà Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu ra, song nếu lập danh sách đầy đủ thì hẳn phải còn tốn kém nhiều giấy mực.
Chuyện ở đây không chỉ là mỗi năm Nhà nước phải tốn bao nhiêu tiền cho những “cậu ấm, cô chiêu” để sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, mà thậm chí còn phải trả giá bằng rất nhiều tiền, rất nhiều niềm tin bị thất thoát (không ít các dự án thua lỗ nghìn tỷ, không ít những văn bản chính sách trời ơi đất hỡi được đưa ra vào thời gian qua cũng do vấn đề bổ nhiệm mà ra cả).
Chuyện còn là cơ hội của những người tài giỏi thật sự, là tự trọng của những người “được việc” mà chẳng may dính vào “con ông cháu cha”, họ thậm chí không dám trở thành công chức, còn đất nước vẫn cứ vừa thừa lại vừa thiếu nhân tài.
Tuổi đời còn trẻ hay xuất thân nhà “trâm anh thế phiệt”, đáng ra không nên là yếu tố để cân nhắc khi bổ nhiệm và cũng không đáng là chuyện để dư luận rì rầm bàn tán theo chiều hướng tiêu cực. Rất nhiều chính trị gia thế giới đã nắm giữ quyền lực từ khi còn rất trẻ. Và ngay ở nước ta, từ hàng chục năm về trước, chính sức trẻ đã làm nên những thành công rực rỡ của dân tộc, từ công cuộc giữ nước đến kiến thiết, xây dựng.
“Thần tốc” hay “siêu tốc” – nhẽ ra phải là “hỉ sự”, là những những từ ngữ thấm đẫm tự hào, chứ không phải là một cách nói đầy mỉa mai và ẩn ý!
Bích Diệp