Bộ kit test nhanh Covid-19 và giá cả giữa đại dịch
(Dân trí) - Từ kinh nghiệm trong bình ổn giá thuốc, nên chăng cũng nên đặt vấn đề về việc Nhà nước tổ chức đấu thầu tập trung đối với kit test Covid-19 để giảm giá mặt hàng này?
Một thông tin đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9, đó là giá bộ kit test nhanh Covid-19 mua với số lượng lớn ở nước ngoài chỉ 1,5 USD, quy đổi khoảng 35.000 đồng, tính chi phí về Việt Nam là khoảng 50.000 đồng.
Trong khi đó, giá hiện nay các tỉnh thành đang đấu thầu là 60.000-70.000 đồng/bộ. Vì thế, nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế, trên thị trường có nhiều loại kit test với nhiều mức giá khác nhau nên sẽ là khập khiễng nếu so sánh đánh đồng. Song nếu lấy ví dụ về một loại kit để so sánh chênh lệch giá như trên thì có thể thấy, dư địa để tiết kiệm nguồn lực trong việc mua sắm thiết bị y tế là rất lớn.
Với giá bộ kit xét nghiệm khi đấu thầu cao hơn so với mức giá nhập đương nhiên sẽ tạo gánh nặng đáng kể về kinh phí cho ngân sách. Số tiết kiệm được từ nhập thiết bị y tế, trong đó có bộ kit xét nghiệm sẽ có ý nghĩa lớn khi mà nguồn ngân sách dự phòng Trung ương (được giao 17.000 tỷ đồng) đã sử dụng hết còn ngân sách tại nhiều địa phương bị hụt thu nghiêm trọng.
Hơn nữa, test nhanh yêu cầu làm nhiều lần, trên diện rộng, kết quả xét nghiệm có giá trị thời gian ngắn, bởi vậy nhu cầu đối với bộ kit là cực kỳ lớn. Gánh nặng chi phí không chỉ với ngân sách mà còn bào mòn sức chịu đựng của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Một đơn vị tại TPHCM với 700 nhân viên đang làm việc tại thành phố cho hay, đáp ứng yêu cầu thực hiện quy định test (kiểm tra) 3 ngày/lần, công ty phải tốn chi phí hơn 700 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp có quy mô nhân sự càng lớn, chi phí càng cao hơn nữa. Còn với người dân, khi có nhu cầu test nhanh, họ phải chi hàng trăm nghìn đồng cho một bộ kit.
Thực trạng này xuất phát từ việc trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các xét nghiệm nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.
Chính bởi vậy, buôn bán kit test nhanh trở thành một kênh kinh doanh hấp dẫn, mang lại lợi nhuận lớn. Theo một số người kinh doanh trang thiết bị y tế, hiện nay khi bán kit test nhanh, dân buôn đang lãi khoảng 50.000 đồng/bộ. Thời điểm trước đó, tiền lãi có thể trên dưới 100.000 đồng. Giá kit test nhanh đang phụ thuộc hoàn toàn vào người bán.
Đã là thị trường thì giá cả sẽ phải theo quy luật cung - cầu. Xét nghiệm nhanh lại không nằm trong danh mục hàng hóa Nhà nước định giá. Do vậy, tính tự giác, tự nguyện ở đây rất cao. Cụ thể, doanh nghiệp nhập không thể vì chạy theo lợi nhuận mà bán giá quá cao, còn địa phương cũng không thể vì ngân sách là "tiền chùa" mà vung tay quá trán. Vậy, nếu có bên không tự giác, tự nguyện thì ra sao?
Kiếm lợi nhuận là nhu cầu chính đáng của mọi doanh nghiệp, nhưng lợi nhuận với thiết bị y tế chống dịch giữa thời điểm này, ngoài tính kinh tế còn có cả tính nhân văn. Tương tự, thu - chi ngân sách cũng rất cần thận trọng, vì ngân sách nói cho cùng cũng là chắt chiu từ nhân dân và vì nhân dân.
Được biết, Bộ Y tế mới đây đã có văn bản đề nghị các địa phương xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ cũng đã trình Chính phủ nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm) trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu. Đồng thời, đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá, hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật.
Từ kinh nghiệm trong bình ổn giá thuốc, nên chăng cũng nên đặt vấn đề về việc Nhà nước tổ chức đấu thầu tập trung đối với kit test Covid-19 để giảm giá mặt hàng này?
Đây là những động thái cần thiết để kiểm soát tình trạng "loạn giá" kit xét nghiệm Covid-19 như hiện nay, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, cũng là một bước đi quan trọng trong chống dịch.