Bảng xếp hạng và hội chứng “Đẹp tốt khoe ra, xấu xa... giấu nhẹm”!

(Dân trí) - Chuyện xếp hạng 10 sự kiện trong năm 2016 của các bộ, ngành đang gây xôn xao dư luận. Nhiều và rất nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình khi trong các sự kiện được các bộ ngành đưa ra chỉ thiên về thành tích mà không (hoặc ít) đưa về những sự kiện chưa tốt, tiêu cực.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là luồng ý kiến rất chính xác khi mà bệnh thành tích vẫn còn khá phổ biến cộng với tư tưởng “Đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy điệm” vốn đã ăn khá sâu vào tiềm thức mỗi cá nhân.

Vì thế, nhiều Bộ, ngành đưa ra tiêu chí bình chọn đều yêu cầu sự kiện phải tiêu biểu, xuất sắc, điển hình, xứng đáng đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành và đất nước, được xã hội đánh giá cao, tạo sự chuyển biến đột phá cho ngành, được người dân hoan nghênh, đánh giá tích cực, diễn ra lần đầu, ảnh hưởng tích cực đến phong trào thi đua...

Thật ra, đây là những qui định đúng nhưng chưa đủ bởi nó thiếu đi một đặc tính rất căn bản mà Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là sinh thời, Hồ Chủ tịch rất quan tâm. Đó là tính tự phê bình.

Trong bài “Tự phê bình – Báo Nhân dân ngày 20/5/1951”, ngay dòng đầu tiên, Hồ Chủ tịch viết: “Dao có mài, mới sắc – Vàng có thui, mới trong – Nước có lọc mới sạch – Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế. TỰ PHÊ BÌNH LÀ GÌ? Là thật thà nhận, công khai trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”.

Gần đây, ngay trong Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng XII, phần thiếu sót, khuyết điểm cũng được đánh giá công khai với liều lượng khá đậm. Ví dụ, trong phần “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Báo cáo đã dành hẳn 1627 từ nói về những yếu kém cần khắc phục trong tổng số 3133 từ, tức là chỉ có 1506 từ nói về thành tựu. Trong phần thực hiện nghị quyết Trung ương 4 cũng có tới 388 từ/965 từ, tức là chỉ có 577 từ nói về ưu điểm.

Trở lại với bảng bình chọn sự kiện, có lẽ cho đến nay chỉ mới duy nhất có Bộ Công thương nói về những tiêu cực yếu kém của mình và cho nằm ngay trong TOP3 của bảng xếp hạng: “Đẩy mạnh việc kiện toàn công tác cán bộ và triển khai xây dựng cơ cấu tổ chức mới nhằm khắc phục các vấn đề đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận”. Trong đó, có nhiều nội dung mà một trong những nội dung chính là thi hành kỉ luật một loạt cán bộ cao cấp kể cả về hưu của Bộ và thu hồi hàng loạt quyết định trái nguyên tắc đã ban hành liên quan đến Trịnh Xuân Thanh.

Công bằng, việc nêu đích danh là rất khó, nhất là với tâm lý người Việt Nam nên cũng có thể thể tất cho sự tế nhị này.

Có một vụ việc không được Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa vào 10 sự kiện đang được dư luận quan tâm, bàn luận. Đó là thảm họa Formosa Hà Tĩnh.

Có lẽ, có hai lý do để Formosa không được những người tham gia cho vào bình chọn. Một, theo họ thì đây là sự kiện liên quan đến nhiều bộ, ngành và cả địa phương. Tức là nó mang tầm “quốc gia đại sự” chứ không riêng Bộ TN&MT. Còn nếu như coi sự cố Formosa là sự ghi nhận nỗ lực, thành tích của Bộ TN&MT trong việc phát hiện thủ phạm, khắc phục sự cố thì càng không phù hợp bởi đó là nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan, các nhà khoa học… “Bộ không thể nhận đó là thành tích gì mà đấy là việc phải làm để giải quyết sự cố môi trường không ai mong muốn và cho đến bây giờ, Formosa còn rất nhiều việc cần phải làm để đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của người dân. Và chỉ khi nào người dân nói rằng, mọi việc tốt rồi thì mới coi là thành tích được..." như lời Bộ trưởng Hà giải thích với báo chí.

Thứ hai, về pháp lý, họ vẫn đang thực hiện theo Quyết định số 2141/QĐ-BTNMT ngày 10/12/2012 do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ký về Quy chế bình xét, công bố các sự kiện nổi bật hàng năm. Theo đó, có 4 tiêu chí thì đều là những điều tích cực như: Phải là các sự kiện có tính chất tiêu biểu, xuất sắc, điển hình, xứng đáng đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành và đất nước, diễn ra lần đầu, được xã hội đánh giá cao, tạo sự chuyển biến đột phá cho ngành... Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà cho biết nếu nhiều người dân mong muốn đưa cả những vấn đề mặt trái, tồn tại thì "cũng nên xem xét và cần phải bổ sung".

Công bằng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà là người lắng nghe, cầu thị. Ông đã từng tặng thưởng cho cả những nhà báo “chê người nhà mình”. Đó là việc tặng Bằng khen cho nhóm phóng viên báo Dân trí trong vụ việc của gia đình cụ bà Đàm Thị Lích (Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) cách đây ít lâu.

Việc làm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà khi đó đã nhận được sự đồng tình của đông đảo bạn đọc. Nhiều độc giả đã gửi thư điện tử (comment) chúc mừng Dân trí đồng thời cảm ơn Bộ trưởng.

Tiếc thay, những việc làm như của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà chưa nhiều. Tinh thần phê và tự phê vẫn còn là cái gì đó “xa xỉ” trong các bảng xếp hạng và cả các bản báo cáo thường ngày.

Trong khi đó, Hồ Chủ tịch đã dạy: “một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng” (bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình – phê bình và sửa chữa” – Báo Đảng Cộng sản ngày 15/10/2015).

Mong rằng từ những năm tới, tư tưởng “Đẹp tốt khoe ra, xấu xa… giấu nhẹm” không còn ngự trị trong các bảng xếp hạng sự kiện như hiện nay.

Bùi Hoàng Tám