Ba câu chuyện, một thông điệp… nhỏ!

(Dân trí) - Thật ra, nhìn ở góc độ nào đó thì đây là những chuyện không lớn nhưng không thể nói là câu chuyện nhỏ. Không lớn bởi mỗi sự việc chỉ liên quan trực tiếp đến một người, nhưng không nhỏ bởi nó là thái độ, là niềm tin, là chữ tín trong cuộc đời này.

Ba câu chuyện, một thông điệp… nhỏ! - 1

Câu chuyện thứ nhất, xin dành cho sự việc ở đất nước xa xôi Nhật Bản.

Cách đây chưa lâu, truyền thông Việt Nam đăng tải về một chuyến tàu tại nhà ga Kami-Shirataki thuộc hòn đảo cực bắc của Hokkaido (Nhật Bản) chỉ phục vụ một nữ sinh trung học. Mỗi ngày một lượt, chuyến tàu này chỉ dừng 2 lần, một lần đón cô bé đi học và một lần đưa cô bé về nhà.

Do địa điểm xa xôi, dịch vụ vận tải không hiệu quả, cơ quan Đường sắt Nhật Bản đã sẵn sàng cho việc đóng cửa nhà ga này.

Tuy nhiên, sau khi nhận thấy còn một học sinh trung học vẫn sử dụng phương tiện này hằng ngày để đến trường, họ quyết định vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của nhà ga cho tới khi cô bé tốt nghiệp.

Câu chuyện thứ hai vừa diễn ra tại Việt Nam.

Thông tin từ báo Nông nghiệp Việt Nam bài Vẫn mở lớp, dù chỉ có một sinh viên - coi trọng chữ tín! Ngày 15.8 cho biết, ngành Sư phạm Ngữ văn của trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chỉ có 4 thí sinh đăng ký xét tuyển. Trong đó, thí sinh cao điểm nhất đạt 22,5 điểm (19,25 điểm thi và 2,75 điểm ưu tiên). Do đó, nhà trường quyết định đẩy điểm chuẩn ngành này lên 23 điểm nhằm mục đích duy nhất, đó là loại thí sinh này trúng tuyển.

Trả lời phỏng vấn, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu nhà trưởng nói:

"Thực chất, điểm chuẩn vài ngành của trường không cao đến mức 20, 23. Nhưng với thực tế nhiều ngành chỉ có vài ba thí sinh đăng ký nguyện vọng, nếu các em trúng tuyển, chúng tôi cũng không thể mở lớp, bố trí giảng viên...”.

Câu chuyện thứ ba, đó là cam kết của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Trao đổi với PV báo Lao động, PGS.TS Trần Thị Hải – Phó trưởng khoa Khoa học tự nhiên khẳng định, dù chỉ có một sinh viên, nhà trường vẫn mở lớp dẫu biết rằng lãng phí nhưng quyết làm.

“Nếu một lớp chỉ có 01 sinh viên, sẽ gây lãng phí cho nhà trường, số tiền bỏ ra để đào tạo 20 sinh viên/lớp, nay chỉ còn 1 sinh viên; 1 phòng học chỉ phục vụ 1 sinh viên; cán bộ giáo viên vẫn phải lên lớp dạy từng đấy giờ cho 1 sinh viên”, bà Hải nói.

Người viết bài này xin gửi ba câu chuyện này tới những người bạn trong “gia đình BLOG Dân trí” và mong nhận được phản hồi từ các bạn…

Bùi Hoàng Tám