ASIAD: Nếu làm tốt, sá gì không dám đăng cai?

(Dân trí) - Sự kiện ASIAD 18 trở thành tiêu điểm trong dư luận suốt tuần qua. Không chỉ có báo chí, cộng đồng mạng cũng tích cực bàn luận về sự hơn thiệt khi đăng cai tổ chức ASIAD.

ASIAD: Nếu làm tốt, sá gì không dám đăng cai?

 

Quan chức của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch bảo vệ quan điểm nên đứng ra đăng cai tổ chức, bởi vì theo họ, đây là dịp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới. Ngược lại, không ít ý kiến cho rằng, đây là thời điểm không thích hợp để đăng cai tổ chức ASIAD, bởi vì tốn kém quá nhiều tiền, trong lúc đất nước còn rất khó khăn…

 

Trước một sự kiện lớn của đất nước, có nhiều ý kiến cùng tham gia bàn luận, tranh cãi, phản biện là rất tốt. Mỗi một công dân đều có quyền phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm của mình một cách công khai, trên tinh thần vô tư, xây dựng vì sự nghiệp chung. Vì vậy, càng có nhiều ý kiến phân tích, càng sáng tỏ nhiều vấn đề, những người có trách nhiệm sẽ có thêm nhiều thông tin để xử lý công việc, mục đích cuối cùng là đạt kết quả cao nhất.

 

Đối với sự kiện tổ chức đăng cai ASIAD 18 cũng vậy, càng nhiều ý kiến tham gia, càng có lợi cho đại cuộc.

 

Để đảm bảo cho ASIAD thành công, trước hết, sự chuẩn bị cho lực lượng vận động viên để tham gia giải phải thật tốt. Đánh đấm mà đo ván ngay trên sân nhà ở tất cả các môn, không có thành tích cao, thậm chí thuộc nhóm cuối bảng thì hình ảnh sẽ bị méo mó.

 

Còn nữa, hạ tầng cơ sở giao thông các đô thị có tổ chức thi đấu cần phải được chỉnh trang, hoàn thiện. Khách đến trong lúc nhà cửa còn lôi thôi như hiện nay thì chắc là không có thiện cảm cho lắm.

 

Không nên để đoàn thể thao của các nước có ấn tượng xấu về một Việt Nam kẹt xe, bụi bặm, ô nhiễm...

 

Đó là chưa kể chúng ta đang thiếu tiền để xây dựng hệ thống nhà thi đấu đúng tiêu chuẩn phục vụ cho giải thể thao tầm cỡ châu lục.

 

Và đây cũng là điểm mấu chốt cho các tranh luận, phản biện nên hay không tổ chức đăng cai ASIAD.

 

Đúng là Việt Nam còn nghèo, nhưng không phải nghèo đến mức không có tiền để tổ chức một giải thể thao châu lục. Song, vấn đề là ở chỗ khi bỏ đồng tiền ra thì phải có hiệu quả. Tiền thuế mồ hôi của dân nên tính toán cẩn thận, không thể ném vào các công trình thể thao ngàn tỉ đồng cho một mùa giải để rồi sau đó bỏ không.

 

Điều này đã được chứng minh bằng các công trình thể thao phục vụ các giải trong nước và SEA Games, không thể không cân nhắc. Điều lo lắng trong dư luận thời gian qua chính là điều căn bản này đây.

 

Vậy thì, thực hiện các dự án phục vụ cho giải thể thao phải đạt chất lượng, đảm bảo minh bạch, ít thất thoát nhất, lãng phí, rút ruột công trình.

 

Các công trình thể thao được đầu tư xây dựng không chỉ phục vụ mục đích tạm thời mà có giá trị khai thác lâu dài, hiệu quả. Không chỉ là công trình phục vụ thi đấu thể thao, mà còn tăng thêm vẻ đẹp văn minh, văn hóa của đô thị Việt Nam hiện đại.

 

Nếu làm được như vậy thì sá gì không đăng cai!

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!