41 tỷ đồng, rồi sao nữa?

(Dân trí) - Vụ kiện của Vinasun đối với Grab không phải đến nay mới “nóng” mà đã kéo dài cả năm. Tuy nhiên, phải đến ngày 23/10 vừa qua, khi Viện Kiểm sát nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41 tỷ đồng thì những tranh cãi quanh câu chuyện này mới “bùng” lên, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

41 tỷ đồng, rồi sao nữa? - 1

Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng, những lập luận của Viện Kiểm sát là có cơ sở. Theo đó, Viện Kiểm sát cáo buộc Grab là một đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, vi phạm đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử Grabcar theo quyết định số 24 năm 2016 của Bộ GTVT.

Cụ thể, Grab là đơn vị cung cấp công nghệ nhưng lại cũng quyết định giá cước, điều chỉnh tăng giảm giá dịch vụ, xử phạt lái xe, giải quyết khiếu nại khách hàng… tóm lại là nắm vai trò tương tự như các đơn vị kinh doanh vận tải. Trong đăng ký kinh doanh của Grab cũng có ngành nghề “kinh doanh dịch vụ vận tải”.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng chỉ ra việc Grab khuyến mại nhiều và sâu, thậm chí có những chuyến xe giá 0 đồng, vi phạm Nghị định 37 của Chính phủ. Viện kiểm sát còn căn cứ vào kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Quốc Việt cho thấy, 74% khách hàng của Vinasun đã chuyển sang sử dụng Grab do giá cước rẻ và được hưởng các chương trình khuyến mại.

Tuy nhiên, còn một luồng quan điểm thứ hai, cho rằng nếu như vụ kiện này Vinasun thắng thì sẽ là tiền lệ xấu cho môi trường kinh doanh của Việt Nam và chẳng khác gì “một cái tát” vào chủ trương phát triển công nghệ 4.0 của Việt Nam.

“Nếu Vinasun thắng kiện Grab, đối với tư pháp, nó sẽ tạo ra án lệ hủy hoại nhiều thứ tốt đẹp khác. Các công ty taxi khác sẽ kiện Grab cho đến khi Grab biến khỏi Việt Nam. Các khách sạn sẽ kiện Airbnb (Airbnb là ứng dụng trực tiếp giữa người có nhu cầu thuê nhà và chủ nhà, hoạt động tương tự như Uber, Grab - NV). Mọi nền tảng online đều có thể bị kiện, vì cái online nào cũng lấy bớt miếng bánh của cái offline” – quan điểm này được chuyên gia Lương Hoài Nam nêu trên trang cá nhân và được nhiều người đồng tình.

Thực tế, vụ Vinasun kiện Grab thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ bởi vì đây là lần đầu tiên có chuyện doanh nghiệp kiện nhau về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà vì vụ việc này có tính đại diện rất lớn giữa một bên là doanh nghiệp truyền thống và một bên là công nghệ, là cái mới.

Từng sử dụng dịch vụ của taxi truyền thống lẫn taxi công nghệ, người viết tự hỏi, nếu như mấy năm về trước không có sự xuất hiện của Easy Taxi, của Uber, của Grab thì liệu rằng người tiêu dùng Việt có thể có nhiều sự lựa chọn và được trở thành “thượng đế” đúng nghĩa khi đi taxi như hiện tại? Hay là vẫn phải trải nghiệm những chuyến xe lòng vòng và phát hoảng với giá cước khi chân ướt chân ráo tới những địa điểm mới?!

Ở góc độ tư pháp, ngày 29/10 tới đây, Vinasun có thể sẽ đòi được hơn 41 tỷ đồng mà hãng này cho rằng Grab đã gây thiệt hại cho họ nếu được Hội đồng xét xử tuyên thắng kiện. Song, điều đó không có nghĩa là Vinasun sẽ toàn thắng nếu họ không quyết tâm tự cải thiện mình để nâng cao chất lượng dịch vụ. Nên nhớ, chiến thắng trong kinh doanh, trong cảm nhận của khách hàng mới là chiến thắng đẹp mắt nhất chứ không phải là trước toà.

Và chắc chắn, câu chuyện này sẽ không dừng lại ở đây. Trách nhiệm sẽ cần được đặt lên vai các cơ quan lập pháp và hành pháp để tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng và một môi trường kinh doanh trong sạch. Trong đó các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng với nhau, người tiêu dùng được tôn trọng, chứ không phải là “bảo hộ” cho bất cứ ai.

Khi chưa làm được điều đó thì việc hướng đến một nền kinh tế 4.0 sẽ vẫn chỉ là hô hào và hình thức mà thôi!

Bích Diệp