Xót xa tòa nhà nghìn tỷ bỏ hoang, hé lộ sự thật về cơn sốt đất mới ở ven đô
(Dân trí) - Hé lộ sự thật về thông tin "sốt" đất ở Mê Linh; hàng loạt khu chung cư cao tầng ở Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Sự thật về thông tin "sốt" đất ở Mê Linh
Cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh nổi tiếng là mảnh đất tập trung nhiều khu đô thị với sự xuất hiện của hàng loạt đại gia bất động sản.
Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Dân trí, cho đến nay hầu hết dự án vẫn trong tình trạng xây thô rồi bỏ hoang, dang dở hoặc chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm.
Một số khu vực phát triển hơn với hệ thống đường sá rộng rãi, nhà cửa được xây dựng xong vẫn còn thưa thớt, các hạ tầng xã hội khác còn thiếu thốn...
"Không rõ từ đâu mà mấy ngày trở lại đây thấy "rộ" lên tin giá đất Tiền Phong đang tăng chóng mặt. Nhưng thực tế bất động sản tại đây một vài tháng trở lại đây không có biến động lớn nào cả" - một lãnh đạo UBND Tiền Phong chia sẻ với PV Dân trí.
Lộ mảng tối môi giới bất động sản: Găm đất, thổi giá tạo sốt ảo
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn vào lực lượng môi giới bất động sản Việt Nam, tuy số lượng đông nhưng phần lớn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Không ít người hành nghề "tay ngang", chớp nhoáng, chộp giật.
Nếu so sánh với thế giới, môi giới bất động sản Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp, chuẩn mực và trình độ kém. Thậm chí, theo ông Đính, nhiều môi giới "tay ngang" còn có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng loạn thị trường, làm thị trường đổ vỡ.
"Ngoài ra nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng bằng các dự án "ma", ảo hay bằng quảng cáo, đưa thông tin thất thiệt gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính…" - ông Đính nhấn mạnh.
Sau khi cơn sốt đất nền bay biến, thị trường bất động sản đang ra sao?
Dịch bệnh bùng phát đầu tháng 5 như một cú bồi khiến thị trường bất động sản thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đa nguồn lây và đa biến chủng.
Theo Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn "sốt nóng" của đất.
Điều này được lý giải bởi trong "cơn sốt" quý I, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm.
Từ tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bất động sản có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá hấp dẫn hơn.
Xót xa hàng loạt khu chung cư cao tầng ở Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm
Trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm, nhu cầu nhà ở nhiều, hàng loạt tòa chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) được xây dựng hoàn thiện nhưng lại đang bị bỏ hoang, không có người ở từ nhiều năm nay.
Cụ thể, nằm ngay vị trí "đất vàng", sát mặt đường lớn Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), có vị trí không gian thoáng đãng, thuận tiện giao thông, song kỳ lạ thay 3 tòa chung cư đã xây dựng hoàn thiện nhưng đến nay vẫn bị bỏ hoang, không có người ở.
Liên quan đến công trình này, từ hồi tháng 1, Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng TP Hà Nội) đã kiểm tra tòa nhà chung cư tái định cư CT3, CT2, yêu cầu nhà thầu và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai khắc phục một số hạng mục tại công trình như xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, sửa chữa công trình do để lâu bị xuống cấp…
Tuy nhiên, đến nay một số hạng mục vẫn chưa được sửa chữa, khiến người dân không khỏi xót xa bởi tòa chung cư nằm tại vị trí đắc địa trên mặt đường lớn Tân Mai, quận Hoàng Mai - đối diện là hồ Đền Lừ thoáng đãng, sạch, đẹp lại bị bỏ không.
Liên tiếp thanh tra, lộ loạt đại gia "om" hàng trăm tỷ đồng quỹ bảo trì
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - cho biết 6 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã ban hành 22 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 341,9 tỷ đồng.
Trong đó, đối với 18 kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, Chánh Thanh tra đã ra kết luận yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện gửi vào tài khoản, quyết toán để chuyển kinh phí bảo trì sang cho ban quản trị với tổng số tiền là 338,6 tỷ đồng.
Trước đó, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tại các dự án ở Hà Nội như: Mulberry Lane của Công ty TNHH CapitaLand - Hoàng Thành; chung cư Victoria Văn Phú của Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest; Home City Trung Kính của Công ty TNHH MTV đầu tư Phú Minh; Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai tại khu chung cư HH02…