Xây nhà ở xã hội rồi "mua đứt bán đoạn" thì rất khó cho người nghèo

(Dân trí) - Ở các nước phát triển, nhà ở xã hội được phát triển để cho người dân nghèo thuê lại chứ không "mua đứt bán đoạn" như ở Việt Nam. Việc bán nhà ở xã hội rồi thu tiền ngay sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người dân.

Nhu cầu về nhà ở xã hội là vô cùng lớn

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Xây dựng về việc đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Theo HoREA, hầu hết các nước trên thế giới, kể cả ở nhiều nước công nghiệp phát triển đều có chính sách nhà ở xã hội và các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở ở mức tối thiểu cho đối tượng là người có thu nhập thấp, người nhập cư. Điển hình như tại Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Pháp...

nha o xa hoi 1A.jpg
Nhu cầu nhà ở xã hội giá rẻ tại Việt Nam là vô cùng lớn

Đối với những quốc gia nói trên, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách, đặc biệt là chính sách tạo quỹ đất, chính sách thuế và chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội và hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người tiêu dùng để thuê mua, thuê nhà ở xã hội phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau.

Trong đó, phổ biến nhất là hình thức thuê nhà ở xã hội, phần còn lại là nhà ở xã hội thuê mua (mua trả góp dài hạn từ 20 - 30 năm), không có loại nhà ở xã hội để bán thu tiền ngay như ở nước ta.

Ví dụ như Hàn quốc có 5 loại hình "căn hộ công" cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỷ lệ đặt tiền thế chân khác nhau, thời gian thuê khác nhau (50 năm, 30 năm, 20 năm, 5-10 năm).        

Ở nước ta, Nhà nước rất coi trọng chính sách nhà ở xã hội và đã được đưa vào Luật Nhà ở từ năm 2005 cho đến nay. Chính sách nhà ở công lập, tiền thân của chính sách nhà ở xã hội đã được thực hiện hơn 60 năm qua.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn...

Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay mới chỉ thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra. Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cũng đã thực hiện khảo sát mẫu (với đối tượng và địa bàn điều tra chưa phủ đầy đủ) thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, cán bộ công chức có 10.000 hộ có nhu cầu về nhà ở xã hội; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo có 39.000 hộ có nhu cầu; lao động trong khu công nghiệp có 17.000 hộ có nhu cầu . Đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố, TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Đến năm 2020, thành phố có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước, nhất là tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện thật khả thi.

nha o xa hoi 2A.jpg
Những căn nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương được người lao động nghèo chào đón vì giá rất rẻ, chỉ từ 100 – 150 triệu đồng.

Phát triển căn hộ nhỏ giá 15 triệu đồng/m2

Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, Chính Phủ, UBND TPHCM, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định và văn bản để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cũng như tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng trong thời gian qua. Chính vì vậy, HoREA cũng đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Theo HoREA, chính sách tổng thể nhà ở xã hội đã được quy định tương đối toàn diện trong Luật Nhà ở 2014.

Chính sách tổng thể nhà ở xã hội là một bộ phận hữu cơ của chính sách tổng thể về an sinh xã hội của Nhà nước góp phần thực hiện quyền có chỗ ở của công dân đã được Hiến pháp quy định. Luật Nhà ở 2014 đã quy định 10 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

Cũng theo HoREA, chính sách tổng thể nhà ở xã hội phải phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển đô thị. Nhà ở xã hội phải được phát triển thông qua các dự án nhà ở xã hội theo quy hoạch và kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phát triển nhà ở xã hội tại đô thị phải là loại hình căn hộ chung cư cao tầng có diện tích từ 25 - 77m2, có giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2.

Chính sách tổng thể nhà ở xã hội nhằm phát triển các loại hình nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội thuê mua (bán trả góp dài hạn), nhà ở xã hội được bán trả tiền một lần (gần tương đồng với loại hình nhà ở thương mại giá thấp). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung chủ yếu để phát triển nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội thuê mua, khuyến khích các nguồn vốn xã hội hóa để phát triển các loại hình nhà ở xã hội, nhất là loại hình nhà ở xã hội thuê mua và nhà ở xã hội được bán trả tiền một lần.

nha o xa hoi 3A.jpg
Theo HoREA, nhà ở xã hội tại TPHCM nên có diện tích nhỏ từ 22 – 75m2 và có giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2.

Chính sách tổng thể nhà ở xã hội nhằm tạo các nguồn vốn bền vững để thực hiện các chương trình, dự án nhà ở xã hội trong từng giai đoạn. Chính sách tổng thể nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính thông qua chính sách tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Hiện nay, lãi suất tín dụng ưu đãi 5%/năm áp dụng cho người mua nhà ở xã hội tại 4 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và người mua nhà ở xã hội thuộc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây.

Đại Việt

banner_chan-bai.gif